“Nóng” tình trạng thanh thiếu niên dân tộc thiểu số vi phạm pháp luật
Hiện nay, trên địa bàn thành phố trẻ vị thành niên có tình trạng bỏ học sớm, sống lêu lổng, đua đòi, đây là những đối tượng thiếu hiểu biết về pháp luật, dễ bị kích động, thích có tiền tiêu xài nên đã rủ nhau đi trộm cắp tài sản, nhiều vụ án trẻ vị thành niên thực hiện hành vi phạm tội rất manh động, tinh vi, liều lĩnh…trong đó, đáng báo động các đối tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đa số là người dân tộc thiểu số.
Với tinh thần quyết tâm kiềm chế, kéo giảm tội phạm vi phạm pháp luật, đảm bảo ANTT địa bàn, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân. Gần đây, Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Kon Tum liên tiếp truy bắt thành công nhiều đối tượng đang trong lứa tuổi vị thành niên là người dân tộc thiểu số vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Điển hình như:
- Vào khoảng 19h30’ ngày 20/8/2024 Công an thành phố Kon Tum tiếp nhận tin báo của Công an phường Duy Tân với nội dung: Nhà anh Nguyễn Văn Hà (Sinh năm 1993, trú tại 351 Sư Vạn Hạnh, tổ 2, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) phát hiện bị kẻ gian đột nhập và lấy đi 01 Ipad mua khoảng tháng 5/2023 với giá 17 triệu đồng, 01 viên đá mặt nhẫn, và một số giấy tờ tuỳ thân.
Sau khi nhận được tin báo, Công an thành phố Kon Tum đã khẩn trương triển khai lực lượng truy xét, khoanh vùng đối tượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Ngay trong ngày 20/8/2024, Công an thành phố Kon Tum đã bắt giữ 03 đối tượng là: A Phăt (Sinh năm 2009), A Re và A Sa Chơn (cùng sinh năm 2008) tất cả cùng trú tại xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum và thu hồi toàn bộ tài sản trộm cắp. Được biết 03 đối tượng trên, có 01 đối tượng không biết chữ, 02 đối tượng đã sớm bỏ học.
Khu vực các đối tượng đột nhập vào nhà dân thực hiên hành vi trộm cắp tài sản
- Tiếp đó, ngày 23/8/2024, Công an thành phố tiếp nhận tin báo của Công an xã Chư Hreng với nội dung: Ngày 14/8/2024, ông Nguyễn Văn Thủy (Sinh năm: 1990; trú tại: thôn 4, xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum) phát hiện bị kẻ gian đột nhập lấy trộm một số tài sản gồm: 01 cuộn dây thép phi 18 dài 90m (mua tháng 1/2024 với giá 5.850.000 đồng), 02 cuộn dây thép phi 18 dài 20m và 30m (mua tháng 2/2023 với giá 2.500.000 đồng). Qua xác minh, xác định các đối tượng nghi vấn gồm: A Khanh (Sinh năm 2006; trú tại: thôn Đăk Đrăk, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum), A Tuệ (Sinh năm 2006; trú tại: thôn Plei Rơ Hai II, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum). Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng A Khanh, A Tuệ đã thừa nhận hành vi trộm cắp nhà ông Nguyễn Văn Thủy và mang tài sản trộm cắp bán phế liệu với giá 876.000 đồng để tiêu xài cá nhân.
Qua điều tra mở rộng, các đối tượng khai nhận thêm: Khoảng 22h00 ngày 13/8/2024, A Khanh cùng A Mít (Sinh ngày 09/8/2006; trú tại: thôn Plei Rơ Hai II, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) và A Tuệ đột nhập nhà vườn ông Đoàn Ngọc Chương (Sinh năm: 1971) tại thôn Đăk Prông, xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum lấy trộm 01 máy bơm nhãn hiệu Daphovina 2,5Hp (mua vào tháng 6/2024 với giá 2.750.000 đồng); sau đó, các đối tượng mang đi bán phế liệu với giá 400.000 đồng để tiêu xài cá nhân.
- Tiếp tục, vào lúc 9h55p ngày 05/9/2024 Công an thành phố tiếp nhận tin báo của Công an xã Vinh Quang với nội dung: Khoảng 17h00 ngày 04/9/2024, Nguyễn Hữu Huy (sinh năm 1987; trú tại thôn Kon Rơ Bang 1, xã Vinh Quang, TP. Kon Tum) khoá cửa nhà đi công việc, đến 09h00p ngày 05/9/2024 về nhà thì phát hiện bị kẻ gian đột nhập và lấy đi 01 máy tính xách tay hiệu Acer, 01 máy tính bảng hiệu Sam Sung, 04 nhẫn vàng, 01 mặt dây chuyền vàng và tiền mặt 150.000 đồng. Sau vài giờ đồng hồ, qua công tác trinh sát, đến 13h00p cùng ngày đã nhanh chóng phát hiện, bắt giữ đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp là A Xũ (sinh năm 2005, trú tại thôn Kon Rơ Bang 1, xã Vinh Quang, TP. Kon Tum, đối tượng này đã có 02 tiền án trộm, mới ra trại 6/2024) và thu giữ toàn bộ tài sản trộm cắp, riêng tiền mặt A Xũ đã tiêu xài hết.
Đối tượng A Xũ tại cơ quan Công an
Những vụ việc trên cho thấy tình trạng thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số phạm tội rất đáng báo động. Qua điều tra, các đối tượng này đều trong độ tuổi thanh thiếu niên thích chơi bời lêu lổng, bỏ học, đa phần là do thiếu sự quan tâm, giáo dục dễ bị dụ dỗ, lôi kéo bỏ học, tụ tập ăn chơi đua đòi, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với đó, sự phối hợp quản lý, giáo dục người chưa thành niên giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội còn thiếu chặt chẽ; tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận người chưa thành niên người dân tộc thiểu số; tác động của tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, văn hóa phẩm đồi trụy, sự phát triển của internet, mạng xã hội... là những tác nhân làm cho tội phạm thanh thiếu niên nói chung và thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số nói riêng luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, diễn biến phức tạp.
Những vụ việc đều xuất phát từ sự bộc phát, thiếu kiềm chế, thích hưởng thụ...đời sống kinh tế của dân tộc thiểu số ở địa phương còn khó khăn, một số ít người có tính trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, không phấn đấu tự vươn lên, khó khăn về kinh tế, nhận thức, trình độ học vấn của thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế đã tác động tiêu cực đến hành vi của họ.
Để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thanh thiếu niên, trẻ vị thành niên, đặc biệt thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số có hành vi vi phạm pháp luật như hiện nay, lực lượng Công an đề xuất một số giải pháp sau:
- Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật ở địa bàn các xã, phường đặc biệt là các xã, phường có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, chú trọng triệu tập những đối tượng có nguy cơ cao để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các em hiểu và chấp hành đúng pháp luật. Đồng thời, thường xuyên nắm tình hình, chú ý quản lý đối tượng vị thành viên có dấu hiệu phạm tội hoặc đã từng có hành vi vi phạm pháp luật để từ đó chủ động lên phương án phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả...
- Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng về vai trò và trách niệm của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ em vị thành niên; chú trọng hơn nữa việc quản lý, giáo dục trẻ em trong mỗi gia đình và nhà trường; tạo môi trường thuận lợi cho trẻ vị thành niên phát triển lành mạnh. Đặc biệt chú trọng hơn về công tác giáo dục đạo đức, nhân cách cho giới trẻ ngay từ khi ngồi ghế nhà trường, hạn chế thấp nhất tình trạng thanh thiếu niên bỏ học; phối hợp thực hiện chặt chẽ công tác theo dõi, quản lý, giáo dục học sinh thuộc diện cá biệt, thanh thiếu niên đã bỏ học để răn đe, giáo dục, cảm hóa.
- Nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường: Để phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội, trước tiên, cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Bởi lẽ, gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân. Mỗi đứa trẻ bắt đầu bắt chước hành vi, ứng xử, biểu cảm của mỗi thành viên trong gia đình. Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc, sai trái. Khi người chưa thành niên biết sống phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội thì sẽ hạn chế được nguy cơ phạm tội. Gia đình nên giới thiệu các kiến thức pháp luật một cách có lựa chọn, có hệ thống nhằm giúp cho các em hiểu được đâu là hành vi hợp pháp, đâu là những hành vi vi phạm pháp luật, biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Như vậy, sẽ hình thành cho các em ý thức tránh xa hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội sau này.
- Tăng cường các biện pháp quản lý xã hội, đặc biệt là quản lý trên không gian mạng: Việc trẻ em tiếp cận với những thông tin, đặc biệt là những thông tin trên không gian mạng cần phải có sự quản lý chặt chẽ của gia đình và nhà trường. Phải nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên môi trường mạng, các hoạt động kinh doanh, giáo dục có liên quan đến đạo đức, phải nhận thức và phát triển hình thành nhân cách của trẻ em. Các hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển, hình thành nhân cách của trẻ em thì phải nghiêm cấm và xử lý kịp thời.
- Tạo điều kiện cho cán bộ văn hóa, người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành, những kiến thức pháp lý cơ bản, thiết thực để họ tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và có ý thức tự giác trong chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật.