A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác âm mưu tuyên truyền về bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp trên biển Đông

Thời gian qua, liên tiếp những vụ việc hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông được lồng ghép trong các sản phẩm văn hóa ở nước ta đã gióng lên hồi chuông đáng báo động về ý thức cảnh giác của người dân đối với vấn đề xâm phạm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

C:\Users\Admin\Desktop\untitled.png

Tuyên truyền về bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp qua nhiều con đường khác nhau là âm mưu thâm độc

Hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” xuất hiện 4giây trong bộ phim chiếu rạp “Người tuyết bé nhỏ”, xuất hiện trong cuốn sách hướng dẫn tour du lịch Phượng Hoàng Cổ Chấn-Trung Quốc được giới thiệu cho du khách tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, xuất hiện trong giáo trình của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hay xuất hiện trên màn hình chiếc xe ô tô nhập khẩu của Volkswagen trưng bày tại triển lãm ô tô Việt Nam… Tất cả những sự việc sau khi xảy ra đều đã xử phạt nghiêm minh, thu hồi sản phẩm song đã chứng tỏ thủ đoạn tinh vi cho chiến dịch tuyên truyền bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

“Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn” do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”.

Để tuyên truyền về bản đồ “đường lưỡi bò”, việc lồng ghép hình ảnh này vào các sản phẩm văn hóa, công nghệ mà đối tượng bị tác động là đông đảo quần chúng nhân dân, phần lớn là người trẻ hay du khách quốc tế là âm mưu thâm độc. Sự tác động từ nhãn quan đến ý thức một cách thường xuyên, liên tục, từ đó dần dần “gặm nhấm” và hình thành nhận thức sai lệch về bản đồ “đường lưỡi bò” trong người dân Việt Nam theo hướng có lợi cho Trung Quốc là mục đích chiến lược tuyên truyền nguy hiểm này hướng tới.

Không chỉ ở Việt Nam, chiến lược tuyên truyền cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp cũng được phía Trung Quốc áp dụng ở nhiều nước, nhiều tổ chức. Từ năm 2012, Trung Quốc đã phát hành mẫu hộ chiếu mới gắn chip điện tử với các trang bên trong có in hình bản đồ “đường lưỡi bò”. Tháng 5/2018, một đoàn du khách Trung Quốc bị phát hiện mặc áo thun in hình “đường lưỡi bò” ngay tại sân bay Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, cơ quan chức năng địa phương đã yêu cầu những người này cởi bỏ và tịch thu số áo trên. Tháng 9/2018, bộ sách Wow! – Những bí mật kỳ diệu dành cho học sinh của tác giả Trung Quốc, dành cho học sinh từ 6 đến 16 tuổi, bị phát hiện có hình ảnh minh họa “đường lưỡi bò”. Vụ việc khiến nhà xuất bản cấp phép phải yêu cầu đơn vị phát hành thu hồi sách và chỉnh sửa nội dung. Mới đây, kênh truyền hình thể thao ESPN, chương trình phát sóng hôm 9/10/2019, nói về tranh cãi giữa Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) và Trung Quốc, nhà đài đã sử dụng một tấm bản đồ Trung Quốc với phần “lưỡi bò” 10 đoạn trên Biển Đông; vụ việc gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ của dư luận khi để hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện khi đưa tin.

Chỉ trong thời gian ngắn, hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông đã thẩm lậu vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau. Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, “đây là một toan tính của Trung Quốc. Họ đã làm điều này và sẽ còn tiếp tục làm. Trung Quốc muốn giành sự công nhận trên thực tế cho nên họ đã dùng các hình thức, từ tài liệu, bản đồ, sơ đồ đến dự án kinh tế, thậm chí là in hình ảnh “đường lưỡi bò” trên áo phông của khách du lịch”. Chính vì vậy, việc chủ động tuyên truyền, phản bác luận điệu phi lý về bản đồ “đường lưỡi bò”, vạch trần âm mưu thâm độc của Trung Quốc trong chiến dịch cài cắm, thẩm lậu “đường lưỡi bò” bằng nhiều con đường khác nhau, đồng thời chủ động, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sơ hở trong quản lý, điều hành để hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” xâm nhập vào nước ta là hết sức cần thiết.

Các cơ quan chức năng, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, điện ảnh, du lịch, báo chí, xuất bản, truyền hình cần phải nêu cao cảnh giác, thẩm định kỹ nội dung của các sản phẩm trước khi đến tay khách hàng, người tiêu dùng. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến người dân về mưu đồ phi pháp, ngang ngược nhằm chiếm đoạt, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Việt Nam tại Biển Đông. Trong đó, cần phải tuyên truyền, giải thích, làm cho mọi người hiểu được tác hại của hành vi này đang gặm nhấm dần và làm sai lệch nhận thức của người dân về chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc. Đấu tranh kịp thời và ngăn chặn những thủ đoạn mới về “đường lưỡi bò”; đấu tranh triệt để, bất cứ đâu có “đường lưỡi bò” cần xóa bỏ ngay, phải đập tan ý đồ ngang ngược của Trung Quốc bắt đầu từ “đường lưỡi bò”.

Cùng với đó, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác; chủ động phát hiện, tố giác hành vi cài cắm, tuyên truyền “đường lưỡi bò” phi pháp để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Khánh Vi


Tin liên quan