A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đảm bảo an ninh biên giới tỉnh Kon Tum

 

Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có vai trò rất quan trọng trong công tác đảm bảo ANTT. Thời gian vừa qua, công tác này ở khu vực biên giới tỉnh Kon Tum đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, giữ vững an ninh, quốc phòng. Duy trì mối quan hệ đối ngoại, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, chủ quyền Tổ quốc.

 

Đ/c Đại tá Vũ Tiến Điền – Phó Giám đốc trao tặng Cờ thi đua của Bộ Công an

cho Truyền tải điện Kon Tum về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ


Tỉnh Kon Tum có đường biên giới tiếp giáp với 02 nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia. Khu vực biên giới gồm 106 thôn, làng, 13 xã thuộc 04 huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai. Toàn tuyến biên giới trên đất liền dài 292,522km. Trong đó, tuyến biên giới giáp Campuchia dài 138,3km, đi qua 02 huyện Tà Vêng và Đôn Mia, tỉnh Rattanakiri (Campuchia) và 03 huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai tỉnh Kon Tum. Tuyến biên giới giáp Lào dài 154,222km đi qua hai tỉnh Attapư và Sê Kông của Lào và 02 huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei tỉnh Kon Tum. Năm 2017, dân số khu vực biên giới tỉnh Kon Tum là 15.342 hộ/55.948 khẩu, gồm 21 thành phần dân tộc; có trên 78,28% dân số là người dân tộc thiểu số; có 5 tôn giáo chính (Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Hòa Hảo và Cao Đài) với 9.977 tín đồ. Nhân dân các xã biên giới chủ yếu làm nông nghiệp, nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm, một số ít trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, bời lời… Đa số nhân dân yên tâm lao động sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Hệ thống đường quốc lộ 14 và 14C chạy từ huyện Đăk Glei dọc qua các xã biên giới về Gia Lai đi lại cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, do điều tự nhiên khắc nghiệt, địa hình đồi núi trải dài trên phạm vi rộng, các đường liên thôn, liên xã đường ra biên giới là đường đất, độ dốc lớn; khí hậu thời tiết mùa khô nắng nóng, mùa mưa đi lại khó khăn. Trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ đói chiếm 0,7%, hộ nghèo chiếm 23,4%, hộ cận nghèo chiếm 9% theo tiêu chí mới. Nhân dân hai bên biên giới có quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời, thường xuyên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khu vực biên giới tỉnh Kon Tum trong tình hình mới.

Khu vực biên giới phía Campuchia: có 32 làng. Trong đó, có 20 làng đều ở cách xa biên giới khoảng 60km thuộc xã Tà Veng trên và Tà Veng dưới, huyện Tà Veng, tỉnh Rattanakiri; 12 làng (03 làng giáp biên) thuộc xã Nhang, huyện Đun Mia, tỉnh Rattanakiri. Dân số khoảng 19.970 người (trong 03 làng giáp biên có 563 hộ/2.738 nhân khẩu, có 11 hộ/57 nhân khẩu theo Đạo Tin lành). Lực lượng quản lý của Campuchia ở đây có 06 đồn Biên phòng, mỗi đồn có từ 06 đến 10 người. Các đồn này đều được bố trí đối diện, gần các đồn Biên phòng Việt Nam. Thành phần gồm nhiều đảng phái khác nhau. Khu vực biên giới phía Lào: có 19 bản, thuộc 3 huyện tiếp giáp tỉnh Kon Tum gồm: Đăk Chưng của tỉnh Sê Kông (08 bản, trong đó có 04 bản giáp biên); Xản Xay của tỉnh Attapư (07 bản, trong đó có 04 bản giáp biên); Phu Vông của tỉnh Attapư (04 bản, trong đó có 01 bản giáp biên). Tổng dân số 1.527 hộ/8.356 khẩu, trong đó có 243 hộ/972 khẩu theo Đạo Tin lành, chủ yếu là người DTTS, có quan hệ thân tộc với người DTTS bên phía tỉnh Kon Tum, họ thường xuyên qua lại và trao đổi thông tin với nhau. 06 đơn vị thuộc lực lượng bảo vệ biên giới quân số dao động từ 70 đến 80 người, bao gồm cả Công an, Biên phòng, Hải quan và Kiểm lâm.

Thời gian vừa qua, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đảm bảo an ninh biên giới tỉnh Kon Tum, đạt được nhiều kết quả như sau:

– Về công tác tham mưu: Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thời gian qua Công an tỉnh Kon Tum đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến xã, xây dựng các Nghị quyết về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo ANTT tuyến biên giới của tỉnh. Trực tiếp, chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra các Quyết định, Chỉ thị, các văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đảm bảo an ninh biên giới tỉnh Kon Tum. Cụ thể: Tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010; Chỉ thị số 16/2004/CT-TTg, ngày 01/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh xoá bỏ tổ chức FULRO đang phục hồi hoạt động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Pháp lệnh xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài; Đề án số 1816/ĐA-BCA(A11) ngày 06/10/2006 của Tổng cục An ninh II về đấu tranh với hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, vượt biên trốn sang Campuchia; Kế hoạch số 41/KH-BCA(A11) của Bộ Công an về đấu tranh xoá bỏ tổ chức FULRO tại địa bàn Tây Nguyên; Kế hoạch số 46/KH-A11(A12) của Tổng cục An ninh về phối hợp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động kích động người DTTS Tây Nguyên trốn sang Campuchia; Chỉ thị số 07/CT-BCA-V28 ngày 15/8/20154 của Bộ trưởng Bộ Công an về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới; Chỉ thị số 09/CT-BCA-V28 của Bộ trưởng Bộ Công an về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong vùng đồng bào các tôn giáo…

Công an 6 tỉnh biên giới thuộc ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự vùng biên


Tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành các văn bản như: Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy khoá XIII về lãnh đạo nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới; Chỉ thị số 29/CT-UBND ngày 27/12/2006 về tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và ANTT thôn, làng, khu vực biên giới; Quyết định số 947/QĐ-UBND ngày 19/9/2014 về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh Kon Tum; Quyết định số 1221/QĐ-UBND ngày 27/12/2012 về phê duyệt Quy chế phối hợp giữa 03 lực lượng Công an – Quân đội – Biên phòng; Quyết định số 41/2012/QĐ-UBND ngày 23/8/2012 ban hành Quy chế quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Kon Tum…

 

Hội nghị phối hợp đảm bảo an ninh giữa Công an 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia lần 4/2018


Kết quả của công tác tham mưu đã giúp cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Công an luôn chủ động trong mọi tình huống nhằm giữ vững ANCT và TTATXH trên địa bàn. Góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, giữ vững an ninh, quốc phòng. Duy trì mối quan hệ đối ngoại, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, chủ quyền Tổ quốc.

– Công tác tuyên truyền, vận động: Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giữ gìn ANTT ở cơ sở; tổ chức tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các buổi hội nghị, họp dân, trao đổi, tọa đàm, báo cáo chuyên đề…. Qua đó, đã tổ chức được 2.530 buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở các thôn, làng trọng điểm về ANTT khu vực biên giới với khoảng 340.000 lượt người tham gia và tổ chức 4.385 lượt phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học ở khu vực biên giới. Trong đó, tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhân dân các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Hiệp định, Quy chế biên giới: Nghị định 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền; Nghị định 112/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; các văn bản có liên quan mà Việt Nam, Lào, Campuchia thỏa thuận, ký kết; chấp hành nghiêm túc Luật biên giới quốc gia, Quy chế biên giới, tôn trọng chủ quyền, pháp luật các nước bạn Lào và Campuchia, không có hoạt động đi lại tự do, xâm phạm đất, rừng các nước bạn.

– Công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đảm bảo an ninh biên giới tỉnh Kon Tum: Những năm qua, lực lượng Công an tỉnh nói chung và Công an 4 huyện giáp biên nói riêng đã phối hợp, hướng dẫn các ban, ngành đoàn thể xây dựng và duy trì được 43 mô hình quần chúng tham gia giữ gìn ANTT ở địa phương như: Mô hình “Đội tự quản về ANTT”, “Tổ tự quản về an toàn giao thông”, “Tiếng kẻng an ninh”, các mô hình “Dân vận khéo”, “Tổ An ninh nhân dân”, “Tổ Hòa giải”… tạo thành mạng lưới an ninh rộng khắp. Qua hoạt động, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giữ gìn ANTT khu vực biên giới tỉnh Kon Tum. Các đơn vị duy trì tốt Diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; thăm hỏi, động viên, tặng quà đối tượng chính sách, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, gia đình cán bộ có nhiều năm làm công tác xây dựng phong trào, lực lượng nòng cốt, tiêu biểu ở cơ sở; kịp thời đề nghị biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

– Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở: Xác định con người là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ khu vực biên giới, lực lượng chuyên trách làm công tác xây dựng phong trào ngày càng được kiện toàn, củng cố. Tập thể đội ngũ cán bộ chiến sỹ đã khắc phục điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, luôn nỗ lực học hỏi trong công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mặt khác, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã chú trọng công tác chỉ đạo, củng cố và nâng cao chất lượng, vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an xã. Hiện tại, lực lượng Công an xã tỉnh trên địa bàn 04 huyện giáp biên có 355 đồng chí, trong đó Trưởng Công an xã 13 đồng chí; Phó trưởng Công an xã 48 đồng chí, Công an viên 277 đồng chí; có 17 đồng chí là Công an chính quy giữ các chức danh Trưởng, Phó trưởng Công an xã tại các xã biên giới.

– Công tác phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ: Trên cơ sở các quy định của pháp luật về công tác phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở khu vực biên giới. Lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng tỉnh Kon Tum đã ký kết các quy chế phối hợp giữa 03 lực lượng, thường xuyên tổ chức các Hội nghị ký kết Quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH và nhiệm vụ quốc phòng, đồng thời tổ chức phổ biến, quán triệt quy chế phối hợp đến Công an các đơn vị, địa phương. Đến nay tất cả các đơn vị đã tiến hành ký kết quy chế phối hợp, tham mưu UBND huyện phê duyệt quy chế phối hợp giữa Công an huyện, Bộ chỉ huy Quân sự và các Đồn Biên phòng. Kết quả phối hợp giữa Công an với Quân đội, Biên phòng đã giúp giải quyết dứt điểm 05 vụ xâm canh xâm cư xảy ra trên tuyến biên giới Campuchia; ngăn chặn hàng chục vụ tổ chức người DTTS vượt biên trái phép; giải quyết hàng ngàn vụ phạm pháp hình sự. Phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức diễn tập phòng thủ bảo vệ biên giới ở các huyện biên giới (04 huyện, 12 xã). Phối hợp giữa ba lực lượng còn góp phần đảm bảo an ninh hoạt động phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Campuchia.

Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới; Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTQ ngày 01/08/2013 giữa Bộ Công an và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 09/12/2013, Công an tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã xây dựng và ban hành Chương trình số 27/CTr-CAT-MTTQ về việc phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các các tổ chức thành viên với Công an tỉnh về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ, hội viên trong Công an tỉnh. Qua đó, là cơ sở, căn cứ cho việc phối hợp giữa các đơn vị chuyên trách xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong Công an tỉnh nói riêng và các lực lượng chức năng có liên quan nói chung. Hàng năm, các lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đến các địa bàn, khu dân cư, nhất là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn biên giới; thường xuyên, chủ động đấu tranh ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển lâm, khoáng sản, vượt biên trái phép.

– Công tác xây dựng xã kết nghĩa: Trước tình hình đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và các xã vùng sâu, vùng xa nói riêng còn nhiều khó khăn, thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 14/06/2007 của Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn, đến nay, Công an tỉnh đã cử 159 đợt với gần 550 cán bộ chiến sỹ đi xây dựng xã kết nghĩa Sa Loong, huyện Ngọc Hồi. Trong mỗi đợt đi công tác xuống cơ sở, với phương châm gần dân, sát dân, chăm lo đời sống cho bà con, từng cán bộ chiến sỹ đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi, giải quyết lương thực, ổn định cuộc sống. Mặt khác, phối hợp với lực lượng ở xã, huyện cùng bám làng, bám bộ, nắm dân, triển khai xây dựng mô hình “no đủ, vững mạnh, an toàn”, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo và chính sách đại đoàn kết dân tộc. Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, kinh tế, xã hội xã Sa Loong ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực: cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực, một số hộ làm ăn có hiệu quả thông qua phát triển trang trại, gia trại; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng tăng. Trong đó, ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, phát luật Nhà nước của người dân ngày càng được nâng cao, bà con đã yên tâm canh tác, sản xuất, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.


Duy Hòa