A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hãy sử dụng còi xe đúng quy định

Theo quy định, còi xe là thiết bị bắt buộc phải lắp đặt trên các phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông nhằm mục đích nhắc nhở và cảnh báo khi cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay một số xe ô tô, mô tô và các loại xe tương tự khác sử dụng còi hơi, còi không đúng thiết kế, bấm còi không đúng nơi quy định. Với việc sử dụng tiếng còi một cách tùy tiện, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tâm lý, thậm chí là cả tính mạng của người đi đường.

  Còi xe là thiết bị dùng để cảnh báo trước những tình huống bất ngờ khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện nay một số chủ phương tiện đã tự ý thay thế còi của phương tiện bằng những loại còi hơi, các thiết bị kích âm thanh cho còi, làm cho tiếng còi xe to, chói tai, làm cho người tham gia giao thông giật mình khi nghe tiếng còi. Ngoài ra hiện nay nhiều lái xe sử dụng còi xe theo cách “vô tội vạ” làm cho người tham gia giao thông, người đi đường và người dân xung quanh hết sức phẩn nộ, bất bình.

Nhiều chủ phương tiện gắn thêm còi hơi cho xe không đúng quy định

Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm do các chủ phương tiện gắn còi hơi cho xe, điển hình như vụ tai nạn giao thông vào năm 2010 tại đường Kha Vạn Cân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Chị Loan điều khiển xe Attila chở cháu Vy 2 tuổi ngồi trước xe, do tiếng còi hơi của xe bồn quá lớn làm cháu Vy giật mình ngã về phía trước. Thấy vậy, chị Loan một tay giữ con, một tay bóp thắng. Do thắng gấp nên xe chị Loan ngã xuống đường, còn cháu Vy văng ra ngoài. Ngay lúc đó bánh xe bồn cán qua người làm cháu Vy chết tại chỗ. Hay như vụ tai nạn gần đây nhất liên quan tới tiếng còi xe ô tô, cụ thể vào trưa 24/4/2019, trên tuyến QL1A, đoạn qua xã Suối Tre, thị xã Long Khánh, Đồng Nai. Vào thời gian trên, anh Đỗ Nguyễn Đông Th điều khiển xe máy chở mẹ là bà Phạm Thị Bích Ph trên quốc lộ 1A, theo hướng Đồng Nai đi Bình Thuận. Khi đến địa điểm trên, anh Thảo nghe tiếng còi xe từ phía sau nên hoảng hốt, điều khiển xe loạng choạng va vào trụ biển báo bên đường khiến anh Thảo và bà Ph té xuống đường. Cú va chạm mạnh khiến bà Ph tử vong tại chỗ, còn anh Thảo bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu.

Còi xe ô tô là nỗi ám ảnh của nhiều người vì có thể gây tai nạn bất thình lình

Còi xe ô tô là nỗi ám ảnh của nhiều người vì có thể gây tai nạn bất thình lình (ảnh minh hoạ)

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP mức phạt đối với hành vi sử dụng còi xe không đúng cách bị xử phạt như sau:

Loại phương tiện Hành vi Mức phạt theo NĐ 100 (đang có hiệu lực)
Xe máy Bấm còi trong thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau trong khu đô thị, khu dân cư 100.000  – 200.000 đồng
Bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu dân cư 400.000 – 600.000 đồng 100.000 – 200.000 đồng
Điều khiển xe không có còi 100.000 – 200.000 đồng 80.000 – 100.000 đồng
Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe 100.000 – 200.000 đồng 100.000 – 200.000 đồng
Ô tô Bấm còi trong đô thị, khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, trừ xe ưu tiên 200.000  – 400.000 đồng
Bấm còi, rú ga liên tục, bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư, trừ xe ưu tiên 800.000 – 01 triệu đồng 600.000 – 800.000 đồng
Điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng còi không có tác dụng 300.000 – 400.000 đồng 300.000 – 400.000 đồng
Điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định 02 – 03 triệu đồng 02 – 03 triệu đồng

Trong thời gian qua, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề nhằm đảm bảo an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông. Ngoài việc tuần tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông một số tỉnh như Lâm Đồng đã tuyên truyền, vận động để các chủ phương tiện tự tháo bỏ các còi hơi, bộ kích âm thanh không đúng quy định.

Còi hơi được các chủ phương tiện giấu dưới bình xăng, gầm xe ô tô

Từ ngày 14 đến 19/3/2022, lực lượng cảnh sát giao thông Trạm Mađaguôi thuộc Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu hơn 100 phương tiện là xe tải, xe đầu kéo và xe ben tháo bỏ còi hơi và các bộ kích âm thanh gắn trên các loại phương tiện này không đúng quy định.

Công an tỉnh Lâm Đồng buộc các chủ phương tiện tháo bỏ còi hơi, bộ kích âm thanh vượt quá tiêu chuẩn quy định

Hiện nay do thiếu các trang thiết bị đo âm lượng nên Công an một số tỉnh tổ chức truyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu các tài xế, chủ phương tiện chấp hành việc tháo bỏ còi hơi theo quy định; đồng thời, buộc các chủ phương tiện và tài xế ký cam kết không tái phạm. Để xử lý triệt để tình trạng này Công an một số tỉnh đã lên kế hoạch mua các thiết bị đo âm thanh để xử lý nghiêm các phương tiện sử dụng còi hơi, bộ kích âm thanh không đúng quy định như hiện nay.

Hồng Khanh