A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông 06 tháng đầu năm 2023 tăng 22,2% so với cùng kỳ

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý trên 1,68 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền 3.251,8 tỷ đồng, tước trên 328 nghìn giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ trên 528,4 nghìn phương tiện các loại. Đây là những con số được Bộ Công an báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

So với cùng kỳ năm 2022, xử lý vi phạm tăng hơn 306 nghìn trường hợp (22,2%), tiền phạt tăng 1.616,9 tỷ đồng (98,9%). Đặc biệt, riêng tuyến đường bộ, đã xử lý 373,9 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 22,6%). Việc tăng cường xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã có nhiều tác động tích cực, nâng cao ý thức của người dân, dần hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông “không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia”.

Đây là những kết quả khả quan của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian qua. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp và gây thiệt hại lớn cho xã hội. Theo Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 3.603 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 1.367 vụ va chạm giao thông, làm 2.865 người chết, 2.009 người bị thương và 1.462 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm nay giảm 12,9%; số người chết giảm 13,5%; số người bị thương tăng 2,3% và số người bị thương nhẹ giảm 15,3%.

Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra giữa ô tô tải và xe mô tô trên tuyến đường tránh thành phố Kon Tum xảy ra ngày 18/6/2023

Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do gia tăng quá nhanh phương tiện cá nhân trong khi hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt tại các thành phố lớn, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT, “khoán trắng” cho các lực lượng chuyên trách. Công tác quản lý nhà nước về TTATGT của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”, chưa phân định rõ trách nhiệm, chưa chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong quản lý nhà nước về giao thông. Công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên một bộ phận người dân “nhờn luật” khi tham gia giao thông. Đầu tư nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ.

Để khắc phục những hạn chế và tồn tại trên, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Cụ thể là: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Trong đó, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, nhất là các hành vi nguy hiểm như sử dụng rượu, bia, ma túy khi lái xe; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho người dân; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, sai phạm, chấn chỉnh việc tuân thủ quy trình công tác, tư thế, tác phong, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ; Tăng cường hợp tác với các bộ, ban, ngành và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông…

Xử lý nghiêm vi phạm giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công an. Đây là một công việc có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thực hiện công việc này hiệu quả, không chỉ cần sự nỗ lực của lực lượng chức năng, mà cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, hiện đại và văn minh.


Tác giả: Hoàng Phúc