A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ kinh khủng, nhưng chưa ai cấp phép”

Lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ kinh khủng, các quán karaoke cháy cũng do thợ hàn, nhưng tới nay chưa ai cấp phép, kiểm tra máy của thợ hàn cũng chưa có.

 

 

Báo cáo tại Hội nghị công tác Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ -CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng Cảnh sát PCCC, sáng 12/9/2022, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, sau thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất tạm dừng hoạt động khiến nhiều trang thiết bị, nhất là thiết bị điện hư hỏng không được kiểm tra, khắc phục, khi hoạt động trở lại dẫn đến sự cố cháy nổ.

Bên cạnh đó, có nhiều sự cố phát sinh do bất cẩn khi cải tạo, sửa chữa, nhất là việc hàn, cắt kim loại; ngoài ra, việc lắp đặt các biển quảng cáo không đảm bảo các tiêu chuẩn về PCCC cũng là một trong các nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy, nổ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh đến nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy nổ “kinh hoàng” là thợ hàn. “Thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ kinh khủng, các quán karaoke cũng là do thợ hàn. Nhưng hiện nay chưa ai cấp phép cho thợ hàn, kiểm tra máy của thợ hàn cũng chưa có”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu (nguồn: thanhnien.vn)

Thực tế, nhiều thợ hàn đã không tuân thủ biện pháp an toàn PCCC trong khi làm việc hoặc không nắm được quy tắc an toàn, khi xảy ra sự cố không biết cách xử trí để dập tắt đám cháy ngay từ khi mới bùng phát.

Mới đây nhất là vụ việc 03 mẹ con tử vong khi cháy xưởng, kho chăn ga tại xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Một ngày sau vụ cháy, đại diện Công an huyện Thanh Oai thông tin, bước đầu lực lượng chức năng nhận định nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn có thể xuất phát từ việc hàn cắt. Công an huyện cũng đã làm việc với thợ hàn cắt, bước đầu người này thừa nhận bất cẩn của mình.

Trước đó, đã có 13 người chết trong vụ cháy quán karaoke 68 phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội). Vụ hỏa hoạn được phát hiện khoảng 14h ngày 01/11/2016,  ngọn lửa bùng lên từ một phòng hát trong quán karaoke rồi nhanh chóng lan ra. Mất hơn 7 tiếng chữa cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phát hiện 13 nạn nhân đã tử vong. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do trong lúc thợ hàn dùng máy hàn thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để cắt bản lề thì lửa vảy hàn bắn vào các phần ốp cách âm, gây cháy.

Đáng nói nhất là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 29/10/2002 tại trung tâm thương mại ITC (TP.HCM) đã làm 60 người chết và 70 người bị thương, thiệt hại tới hơn 32 tỷ đồng. Vụ cháy có nguyên dân từ hàn xì gây thiệt hại lớn nhất từ năm 2002 đến nay, xuất phát từ quá trình hàn giàn đèn trên trần vũ trường Blue ở tầng 3, đã làm vảy xỉ nhiệt độ cao bắn vào lớp xốp cách âm gây cháy.

Trước những thiệt hại từ các vụ cháy, nổ do quá trình hàn cắt kim loại gây ra, để đảm bảo an toàn phòng cháy khi hàn cắt kim loại tác giả khuyến cáo một số nội dung sau:

Một là, Người đứng đầu cơ sở phải nêu cao tinh thần trách nhiệm về PCCC, quan tâm và đầu tư cho công tác PCCC.

Hai là, Ban hành nôi quy, quy định an toàn PCCC và CNCH, quy trình an toàn khi hàn phù hợp với đặc điểm sản xuất và đặc thù của từng cơ sở.

Ba là, Cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn hàn lồng ghép với các buổi phổ biến kiến thức an toàn PCCC và an toàn vệ sinh lao động theo định kỳ đối với công nhân viên, người lao động.

Bốn là, Trong quá trình hàn cắt phải tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m), không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, phải có biện pháp an toàn PCCC và phương án xử lý cháy, nổ.

Năm là, Trong quá trình hàn cắt kim loại phải cử người trông coi. Có mặt thường xuyên trong suốt quá trình hàn cắt và ít nhất có mặt sau 30 phút, kiểm tra thật kỹ trước khi kết thúc việc hàn cắt.

Sáu là, Chỉ sử dụng các dụng cụ hàn cắt đảm bảo an toàn như các chai khí trong thời hạn kiểm định, dây dẫn khi đảm bảo kín, đường ống dẫn khí phải được bảo vệ tránh tia lửa hàn, xỉ hàn và dầu mỡ; không đặt các chai khí gần nguồn nhiệt, hệ thống điện.

Bảy là, Trang bị các phương tiện PCCC cần thiết như bình chữa cháy tại khu vực hàn cắt để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Tám là, Thợ hàn phải được tập huấn về nghiệp vụ PCCC và CNCH; nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ trong công tác hàn cắt kim loại; biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy nây khi mới phát sinh.

Chín là, Áp dụng phương pháp hàn cắt tiên tiến, sử dụng thợ hàn có tay nghề đã qua đào tạo về công tác an toàn trong quá trình hàn cắt kim loại.

 


Tác giả: Duy Tuấn
Tin liên quan