A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗi đau từ những vụ nổ bom mìn trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Chiều tối ngày 25/3/2023, tại xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã xảy ra vụ nổ đầu đạn khiến 2 người chết và 3 người bị thương nặng. Thông tin ban đầu trên báo Nhân dân, anh A Nh. (24 tuổi, trú tại thôn Kon Kon Đao Yốp, xã Đăk Long) chở theo một đầu đạn từ rẫy mì về nhà bố vợ là ông A Tu (trú cùng thôn). Sau đó, A Nh. dùng rựa tác động mạnh vào đầu đạn khiến đầu đạn phát nổ. Hậu quả, A Nh. tử vong tại chỗ và cháu A Ph. (4 tuổi, con A Nh.) tử vong khi đang cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà.

Hiện trường vụ nổ đầu đạn tại xã Đăk Long, huyện Đăk Hà. Ảnh: Nhân Dân

Các trường hợp bị thương đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum gồm: Chị Y Khung (22 tuổi), vợ A Nh. bị đa vết thương đang điều trị tại khoa Ngoại chấn thương; A Thuận (11 tuổi) bị đa vết thương, có vết thương thủng ruột, điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp; A Kiên (11 tuổi) bị vết thương sọ não, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực. Ủy ban nhân dân xã Đăk Long đã hỗ trợ cho mỗi nạn nhân tử vong 1 triệu đồng và mỗi nạn nhân bị thương 500 nghìn đồng.

Theo thông tin được công bố tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động giáo dục phòng tránh nguy cơ bom mìn, vật nổ do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) tổ chức tháng 12/2022, Kon Tum là một trong 19 tỉnh, thành trong cả nước có 100% xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Chiến tranh đã đi qua nhưng tàn tích và những nỗi đau của nó thì vẫn còn tồn tại với thời gian. Địa bàn tỉnh Kon Tum là một trong rất nhiều tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất hóa học, bom, đạn. Ngày nay, khi kinh tế phát triển, quá trình đô thị hóa và những thành tựu khoa học kỹ thuật đã giúp con người gỡ bỏ và vô hiệu hóa khối lượng lớn bom mìn còn xót lại trong lòng đất. Tuy nhiên, ở những vùng sâu, vùng xa, dân cư còn khó khăn, đời sống của bà con nhân dân vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu thì việc trang bị những kiến thức cơ bản về phòng tránh bom, mìn lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Do thiếu hiểu biết, người dân chỉ nghĩ đơn giản việc lấy thuốc nổ bán hoặc phục vụ cho các hoạt động sản xuất, săn bắt mà không lường trước được hậu quả và tính chất nguy hiểm của việc tự ý tháo gỡ và lấy chất nổ từ bom mìn nhặt được để sử dụng.

Tháng 11 năm 2019, gia đình ông A Đang ở xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei đã dùng đầu một quả đạn 105 ly để làm kiềng bếp trong thời gian dài. Trong quá trình đun nấu, bất ngờ đầu đạn phát nổ làm 9 người trong nhà bị thương, trong đó có bé gái mới 22 tháng tuổi là nạn nhân nhỏ tuổi nhất, bị thương nặng nhất. Bé bị hôn mê với vết thương sọ não hở và vết thương vùng hàm mặt. May mắn sống sót nhưng chắc chắn những đau đớn về thể xác và tinh thần sẽ ám ảnh em cùng gia đình trong suốt quãng đời còn lại.

/upload/105000/20230328/grab96a5dno_dau_dan_be_222_thang_15733417189232060238203.png

Bé gái 22 tháng tuổi trong vụ nổ ở xã Đăk Nhoong, huyện ĐăkGlei năm 2019 được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Nguồn: VTV1.

Tuy chưa thể thống kê được số người chết và bị thương do bom, mìn, vật nổ gây ra nhưng chắc chắn đó là một con số không hề nhỏ và chưa dừng lại ở đó. Kon Tum hiện có số nạn nhân bom, mìn, vật nổ cao thứ hai cả nước. Kết quả điều tra cho thấy, việc tìm kiếm phế liệu và chơi đùa, nghịch ngợm là hai nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn bom mìn, vật nổ; tiếp đến là hoạt động trồng trọt, chăn nuôi. Nguyên nhân dẫn tới tai nạn là do thiếu hiểu biết và không được cảnh báo, tuyên truyền về những nơi còn nhiều bom mìn, vật nổ.

Tôi còn nhớ ngày nhỏ có vụ hai anh em nhà hàng xóm đi chăn vịt ngoài đồng nhặt được mấy quả bom bi và dùng để chơi đùa. Hậu quả, bom nổ làm 2 anh em một người chết một người bị thương nặng. Dù may mắn sống sót nhưng người em đã bị mất đi một cánh tay và một bên mắt kèm với nỗi ám ảnh thường trực trong cuộc sống sau này. Còn với chị em chúng tôi, đó là bài học, là minh chứng lớn cho việc không được chơi đùa cùng bom, mìn, đạn và vật nổ.

Bom đạn là một loại vũ khí nguy hiểm, có thể phát nổ bất cứ lúc nào nếu bị va chạm, cháy nổ hoặc thay đổi nhiệt độ. Bom đạn có thể gây ra những thiệt hại to lớn về người và của, thậm chí làm rung chuyển cả một khu vực. Vì vậy, mọi người dân nếu phát hiện bom đạn ở bất kỳ đâu, đừng có ý định nhặt, mang về nhà, chơi đùa hay chế tạo thành công cụ khác. Hãy báo ngay cho cơ quan chức năng có trách nhiệm thu gom và tiêu hủy bom đạn. Hãy giữ khoảng cách an toàn với bom đạn và không để trẻ em hay người không biết tiếp cận.

Điều đau đớn nhất là trong số nạn nhân của bom mìn, vật nổ gây ra thì trẻ em chiếm đa số. Với bản tính hiếu động và thiếu hiểu biết, các em thường đùa nghịch, di chuyển, quăng, ném bom bi,đầu bạn dẫn đến gây nổ. Có một thực tế đáng buồn là nhiều phụ huynh chỉ lo trang bị cho con những kiến thức, sách vở theo chương trình trên trường mà quên đi việc giáo dục cho con em mình những kỹ năng sống cần thiết để các con tự bảo vệ mình trước cuộc sống. Không chỉ trẻ em, học sinh ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở thành phố, trung tâm huyện, vẫn còn một số lượng lớn trẻ em chưa được giáo dục kiến thức phòng tránh bom, mìn, vật nổ. 

Bom đạn là di sản đau thương của chiến tranh, là mối đe dọa cho sự sống của con người và sự phát triển của xã hội. Chúng ta không thể để cho bom đạn tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi và tang thương cho người dân. Xã hội chúng ta cần sự chung tay, đoàn kết, quan tâm và chia sẻ để mọi người cùng có một cuộc sống bình yên, không còn những cái chết thương tâm, những con người tàn tật vì nổ bom, mìn để lại. Hãy cùng nhau cảnh giác và hành động để loại bỏ bom đạn khỏi mặt đất Việt Nam./.


Tác giả: Thu Đỗ
Tin liên quan