A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sạt lở đất và biện pháp phòng tránh, xử lý khi xảy ra

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hàng chục vị trí sạt lở ven sông, suối, gây mất đất. Đặc biệt, hiện nay là thời điểm mùa mưa bão năm 2023 bắt đầu diễn ra, nguy cơ sạt lở đất ngày càng trở nên nguy hiểm đối với tính mạng và tài sản Nhân dân.

 

 

Sạt lở tại vị trí cống xả nước đường Hai Bà Trưng (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum). Nguồn: baokontum.vn

Sạt lở đất là do biến động của một ngoại lực tác động vào khối đất đá, mảnh vụn. Dưới tác động của các yếu tố ngoại lực đó làm cho độ dốc của triền núi, con đồi, mô đất không ổn định. Sự tác động của trọng lực làm khối đất đá di chuyển xuống khu vực thấp hơn. Hầu hết các vụ sạt lở đất là do các hoạt động bồi đắp, san lấp của con người hoặc từ tự nhiên, chẳng hạn như mưa lớn, bão, lũ, rung chuyển do động đất, núi lửa phun trào và thay đổi đột ngột trọng lực lên bề mặt trái đất, hiện tượng sạt lở đất có xu hướng trầm trọng hơn khi có sự ảnh hưởng của lũ lụt.

Thực tế đã có rất nhiều vụ việc sạt lở đất xảy ra, đe dọa trực tiếp nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của con người. Gần đây nhất là vụ sạt lở đất và sập ta luy xảy ra vào ngày 29/6/2023, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, khiến 2 người bị vùi lấp dẫn đến tử vong, vụ tai nạn xảy ra sau một thời gian mưa lớn kéo dài trên địa bàn. Tại tỉnh Kon Tum, theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hàng chục vị trí sạt lở ven sông, suối như tại khu vực dọc sông Đăk Pne (huyện Kon Rẫy), sông Pô Kô (qua huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô), sông Đăk Bla (qua thành phố Kon Tum),...

Sạt lở tại bờ sông Đăk Pne, huyện Kon Rẫy. Nguồn: baokontum.vn

Để chủ động phòng, tránh và xử lý đối với sạt lở đất tại khu vực nơi ở, làm việc của mình, chúng ta cần tìm hiểu về một số biện pháp xử lý sau:

Thứ nhất, lưu ý khi sống trong một khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất

- Tìm hiểu về các kế hoạch sơ tán và ứng phó khẩn cấp tại địa phương.

- Hướng dẫn mọi người trong gia đình về những việc cần làm nếu xảy ra sạt lở đất.

- Chuẩn bị và thực hành một phương án, tình huống sơ tán cho gia đình khi sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá.

- Làm quen với vùng đất xung quanh nơi ở và làm việc để hiểu được các rủi ro của mình trong các tình huống khác nhau.

- Gia cố nhà cửa, quan tâm đến các công trình thoát nước trên các sườn dốc gần nhà, đặc biệt là nơi nước chảy tràn tụ lại.

Thứ hai, khi xảy ra hoặc có khả năng xảy ra nguy cơ sạt lở đất:

- Nếu thấy nguy cơ sắp xảy ra sạt lở đất, hãy sơ tán ngay lập tức. Thông báo cho người thân trong nhà, hàng xóm bị ảnh hưởng nếu có thể, và báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số 114 hoặc cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.

- Lắng nghe âm thanh bất thường để có thể xác định hướng, khu vực các mảnh vỡ đang chuyển động, chẳng hạn như tiếng cây cối nứt nẻ hoặc đá tảng va vào nhau.

- Nếu ở gần suối hoặc kênh, chú ý cảnh giác với bất kỳ sự tăng hoặc giảm đột ngột nào của dòng nước và để ý xem nước có chuyển từ trong sang đục hay không. Những thay đổi như vậy có thể có nghĩa là có hoạt động dòng chảy mảnh vụn ở thượng nguồn, vì vậy hãy chuẩn bị để di chuyển nhanh chóng.

- Đặc biệt cảnh giác khi lái xe trong khu vực có nguy cơ sạt lở, để ý xem mặt đường bị sụp, bùn, đá rơi và các dấu hiệu khác về khả năng có thể chảy xuống các mảnh vỡ trước khi sạt lở đất, đá xảy ra.

Thứ ba, sau khi xảy ra sạt lở đất:

- Tránh xa khu vực sạt lở. Có thể có nguy cơ xảy ra các sạt lở thứ cấp.

- Kiểm tra những người bị thương và bị mắc kẹt, không đi vào khu vực sạt lở trực tiếp. Chỉ dẫn cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ đến vị trí của những người bị kẹt, người có thể cần hỗ trợ đặc biệt như trẻ sơ sinh, người già và người khuyết tật có thể yêu cầu hỗ trợ thêm trong trường hợp khẩn cấp.

- Nghe đài phát thanh hoặc đài truyền hình địa phương để biết thông tin khẩn cấp mới nhất.

- Đề phòng lũ quét có thể xảy ra sau khi sạt lở đất hoặc dòng chảy của các mảnh vụn.

- Thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan chức năng, sơ tán đến các khu vực an toàn và đồng thời cùng cơ quan chức năng khắc phục hậu quả do sạt lở đất, đá gây ra nếu có thể.

 

 


Tác giả: Vũ Linh