Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của quần chúng Nhân dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của các phong trào, mô hình trong công tác PCCC và CNCH, bảo đảm an toàn PCCC trong sử dụng điện tại cơ sở, hộ gia đình, đặc biệt nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH đối với cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường; ngày 15/8/2022, Công an tỉnh ban hành công văn số 2330/CAT-PC07 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.
Theo đó, Công an tỉnh yêu cầu Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Phòng Công tác đảng và công tác chính trị, Công an các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay một số nội dung công tác trọng tâm sau:
Một là, Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân trong thực hiện các quy định về PCCC và CNCH. Đổi mới về hình thức, phương pháp tuyên truyền; nội dung tuyên truyền phải thiết thực, hấp dẫn, hướng dẫn kỹ năng về PCCC và thoát nạn an toàn đến với người dân qua nhiều hình thức, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu và phù hợp với từng loại đối tượng; tập trung hướng dẫn người dân chủ động trang bị phương tiện chữa cháy, phương tiện CNCH và duy trì 2 lối thoát nạn; giúp người dân hiểu rõ “thời gian vàng” trong chữa cháy, CNCH nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phương châm “4 tại chỗ” (Lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân, chỉ huy ở trong dân). Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng thành thạo App “Báo cháy - 114” và theo dõi trang zalo của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trang Thông tin điện tử Công an tỉnh, trang zalo, facebook của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Kon Tum, các tài khoản mạng xã hội của Công an cấp huyện, cấp xã để kịp thời nắm bắt pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông, đơn vị cung ứng điện trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân đảm bảo an toàn trong sử dụng điện, máy phát điện (phát sóng chuyên mục định kỳ, gửi tin nhắn SMS đến các thuê bao di động, trên zalo, facebook...); tổ chức huấn luyện kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn cho lực lượng Dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, hướng dẫn các lực lượng này tăng cường công tác thường trực để kịp thời xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh.
Hai là, Triển khai đợt tổng kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC và CNCH. Kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động các trường hợp vi phạm theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; các đồng chí Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Trưởng Công an huyện, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ, kiểm tra và xử lý triệt để các trường hợp không chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm nếu để các cơ sở tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trái phép; các trường hợp cố tình đưa vào sử dụng để xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng phải điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật để răn đe.
Ba là, Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo Kế hoạch số 273/KH-BCA-C07 ngày 01/6/2022 của Bộ Công an và Kế hoạch số 1682/KH CAT-PC07 ngày 15/6/2022 của Công an tỉnh; tập trung tổ chức kiện toàn và duy trì hoạt động của Đội Dân phòng bảo đảm đi vào thực chất và hiệu quả; xây dựng và nhân rộng xây dựng mô hình tổ liên gia an toàn PCCC theo hình thức trang bị chuông báo cháy, phương tiện PCCC và CNCH tại hộ gia đình và các điểm chữa cháy công cộng theo hướng dẫn tại Công văn số 1991/CAT-PC07 ngày 14/7/2022 của Công an tỉnh về việc xây dựng các mô hình an toàn PCCC tại khu dân cư. Quá trình triển khai thực hiện phải kết hợp chặt chẽ với Kế hoạch số 1175/KH-CAT PC07 ngày 18/7/2022 của Công an tỉnh về triển khai Quyết định số 22/2022/QĐ UBND ngày 28/6/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy định an toàn PCCC, đối với nhà ở hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Bốn là, Phối hợp với các đơn vị cung ứng điện lực trên địa bàn thực hiện hướng dẫn về an toàn sử dụng điện, máy phát điện tại cơ sở, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Hướng dẫn người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện đầy đủ trách nhiệm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH trong sử dụng hệ thống, thiết bị điện, máy phát điện; rà soát, bổ sung, cập nhật tình huống cháy, nổ, sự cố ngạt khí độc có liên quan đến sử dụng điện, máy phát điện trong phương án chữa cháy, phương án CNCH của cơ quan Công an đối với cơ sở, khu dân có nguy cơ cháy, nổ cao; tổ chức thực tập phương án nhằm nâng cao tính chủ động và khả năng triển khai chữa cháy, CNCH kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Năm là, Tổ chức nghiêm công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy, chuẩn bị các phương án, lực lượng, phương tiện, kịp thời cứu nạn khi có các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra. Tổ chức điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ, tai nạn; kịp thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH đối với địa bàn, cơ sở xảy ra cháy, nổ, tai nạn.