A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo lợi dụng sinh trắc học để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trong bối cảnh tình hình an ninh mạng trên thế giới và tại Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gia tăng, ngành Ngân hàng, tài chính luôn là đích nhắm hàng đầu của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Để tăng cường các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng, ngày 18/12/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

Tại quyết định này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học cho một số loại giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên Internet. Từ ngày 01/7/2024, khi khách hàng cá nhân chuyển tiền cùng ngân hàng, khác chủ tài khoản hoặc chuyển tiền giữa các ví điện tử; nạp, rút tiền từ ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/lần hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải bổ sung phương thức xác thực bằng khuôn mặt. Các giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch không quá 20 triệu đồng/ngày thì xác thực bằng mã Smart/SMS OTP như thông thường, không cần xác thực bằng khuôn mặt.

Ảnh minh hoạ.

Ngoài ra, theo Điều 2 của Quyết định 2345/QĐ-NHNN, khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học. Các quy định này đảm bảo đúng là chính chủ đang thực hiện chuyển tiền, qua đó góp phần đảm bảo an toàn cho chủ tài khoản, đồng thời ngăn chặn thiệt hại cho chủ tài khoản khi kẻ gian rút tiền nhiều lần với số tiền lớn. Việc thực hiện xác thực sinh trắc học được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất hiện nay. Hơn nữa việc xác thực sinh trắc học cung cấp một lớp bảo mật bổ sung cho thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc, nhờ đó có thể giúp loại bỏ hoàn toàn những hạn chế của phương thức thanh toán hiện tại, bao gồm việc phải ghi nhớ mã pin và tương tác vật lí với các mã pin. Biện pháp này sẽ vô hiệu hoá nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đã tồn tại suốt thời gian qua.

Trong thời gian gần đây đặc biêt từ sau khi áp dung Quy định thu thập sinh trắc học đối với khách hàng cá nhân, các Ngân hàng đã bắt đầu tiếp nhận các phản ánh về gian lận, lừa đảo liên quan đến việc mở và sử dụng Tài khoản thanh toán của Khách hàng tổ chức (KHTC) mở tại các Ngân hàng với một số dấu hiệu đáng nghi ngờ như sau:

- Nhiều KHTC mới thành lập và chung người đại diện pháp luật;

- Đều đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử (NHĐT) và chỉ giao dịch trên kệnh NHĐT; Không phát sinh giao dịch tại quầy.

- Số lượng giao dịch lớn, tiền vào chuyển đi ngay và Người đại diện hợp pháp không nắm được các thông tin về giao dịch trên tài khoản thanh toán (TKTT).

- Các KHTC này mở TKTT tại nhiều  Tổ chức tín dụng (TCTD) và có các phản ánh liên quan đến các giao dịch gian lận, lừa đảo thông qua TKTT này.

Nhằm hạn chế các rủi ro tiềm ẩn trong việc tiếp tay cho các đối tượng KHTC mở và sử dụng TKTT tại các Ngân hàng để thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, Công an tỉnh Kon Tum cảnh báo các Ngân hàng  nghiêm túc và cẩn trọng trong việc mở TKTT: Tuyệt đối tuân thủ Quyết định số 425/2024/QD-TGÐ ban hành Bộ quy trinh giao dịch KHTC. Triển khai thực hiện nghiêm Chỉ chị số 02/CT-NHNN ngày 15/01/2024 về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tăng cường sử dụng dịch vụ, công nghệ mới để sớm phát hiện các vụ việc lộ, lọt thông tin tài khoản, xác thực của khách hàng trên mạng Internet cũng như có cơ chế nhanh chóng gỡ bỏ các website giả mạo. Cùng với đó, các TCTD chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên thành thạo và am hiểu quy trình xử lý với các vụ việc lừa đảo và cách ứng xử phù hợp với khách hàng.

Các ngân hàng cần liên tục cập nhật các giải pháp công nghệ tiên tiến, kết hợp nhiều lớp bảo mật để chống lại các cuộc tấn công Deepfake. Việc nâng cao nhận thức và sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và khách hàng là rất quan trọng để bảo vệ an toàn tài chính trong kỷ nguyên số.

Đặc biệt, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần thiết lập các cơ chế trao đổi, phản ứng nhanh với các đơn vị chức năng liên quan, thiết lập kênh phản ứng nhanh để ngăn chặn kịp thời các website giả mạo các tổ chức trong ngành Ngân hàng. Khi phát hiện có website giả mạo, các ngân hàng sẽ cung cấp thông tin cho Công an tỉnh thông qua kênh phản ứng nhanh để phối hợp chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn; tăng cường sự phối hợp giữa các Ngân hàng và Công an tỉnh trong triển khai Đề án 06 và trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý tội phạm công nghệ cao, lừa đảo...

Đánh giá cao việc NHNN ban hành Quyết định 2345/QQD-NHNN là cần thiết, với giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng số và góp phần phòng chống tội phạm công nghệ cao đã và đang diễn biến phức tạp. Ý nghĩa của chính sách này là rất lớn và thiết thực. Thực hiện tốt quyết định này không chỉ là trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ, các TCTD, của các cơ quan quản lý mà còn là trách nhiệm của khách hàng và của mỗi người dân.

 Tuy nhiên, Bộ Công an lưu ý các đối tượng tội phạm đã có dấu hiệu thay đổi phương thức hoạt động để đối phó với quy định mới này. Do đó, Công an tỉnh khuyến cáo người dân: Nâng cao ý thức cảnh giác, kỹ năng để có thể tự bảo vệ bản thân. Thận trọng, tìm hiểu, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch. Không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ; Tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân; Cài đặt bảo mật 2 lớp. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân, gia đình, bạn bè… trên mạng.


Tác giả: Việt Huy