A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với thủ đoạn đầu tư tài chính, Chứng khoán, làm thêm tại nhà, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Công an tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn giả danh nhân viên Công ty đầu tư Chứng khoán, tài chính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.  

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum và cả nước, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động rất phức tạp, nhiều thủ đoạn tinh vi, thực hiện theo các kịch bản soạn sẵn, chiếm đoạt số tiền lớn, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân với các thủ đoạn như: Đầu tư chứng khoán; Làm thêm tại nhà, việc nhẹ thu lợi cao…Các đối tượng làm giả các trang Wed, App của các Công ty Chứng khoán nổi tiếng trong nước và nước ngoài… để tạo lòng tin cho nạn nhân sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng qua việc đầu tư chứng khoán với các thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng các thông tin về đầu tư Chứng khoán, đầu tư tài chính thu về lợi nhuận cao, khi nạn nhân muốn tìm hiểu để đầu tư thì chúng kết bạn và nhắn tin nói chuyện, ban đầu chúng sẽ tâm sự tìm hiểu hoàn cảnh của nạn nhân để tạo kịch bản phù hợp để lừa đảo, một số trường hợp chúng sẽ nói chuyện tâm sự tình cảm, đồng cảm với với hoàn cảnh của nạn nhân hoặc chúng tìm hiểu về hoàn cảnh kinh tế của nạn nhân, nắm bắt được việc nạn nhân đang gặp khó khăn về kinh tế cần một khoản tiền lớn một cách dễ dàng…. Sau đó mời nạn nhân tham gia vào các hội nhóm trên Telegram, Zalo, Messenger... do chúng lập ra, trong các hội nhóm này các tài khoản Telegram, Zalo, Messenger do chúng tự tạo sẽ khoe khoang việc đầu tư vào sàn chứng khoán thu về số tiền cao để thu hút nạn nhân tham gia hoặc rủ nạn nhân góp vốn đầu tư chứng khoán chung. Từ việc nắm  được thông tin của nạn nhân các đối tượng tạo một kịch bản để tạo lòng tin nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Các đối tượng dẫn dụ các nạn nhân đầu tư và tải các phần mềm đầu tư chứng khoán giả mạo. Để tạo lòng tin cho nạn nhân đối tượng đã chuyển tiền tặng nạn nhân 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) vì đã giúp chúng đặt lệnh trên ứng dụng hoặc mời nạn nhân đầu tư thử thu về tiền thật như đầu tư 200.000 đồng thì thu về tài khoản cá nhân 480.000 đồng….. Khi thấy nạn nhân đã tin tưởng thì các đối tượng sẽ dẫn dụ nạn nhân bỏ tiền ra để đầu tư thu về lợi nhuận cao, lợi nhuận thu về có thể tăng từ 50% cho đến 200% số tiền đầu tư. Khi nạn nhân đồng ý, đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân nạp tiền thông qua chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng có tên giống với tên của công ty chứng khoán, công ty đầu tư tài chính. Nạn nhân thấy tên tài khoản nhận tiền giống với tên công ty đang đầu tư nên tin tưởng và chuyển tiền. Sau khi chuyển tiền đầu tư thì trên các ứng dụng sẽ hiện lên số tiền lợi nhuận gấp nhiều lần số tiền đã đầu tư. Nạn nhân muốn thu tiền về thì phải đóng các khoản phí do chúng đặt ra như: % phí vượt hạn mức, đóng tiền để trả công cho thầy hướng dẫn đầu tư, đóng thêm tiền vì thực hiện nhiệm vụ bị lỗi, % lợi nhuận thu được thì hệ thống mới chuyển trả….. Khi này nạn nhân vì ham lợi nhuận cao hoặc muốn lấy lại số tiền mà họ đã đầu tư nên nghe theo dẫn dụ của bọn chúng chuyển các khoản tiền từ vài chục triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng để mong thu hồi lại khoản tiền đã đầu tư, cho đến khi nạn nhân hết khả năng tài chính không thể chuyển thêm tiền cho các đối tượng thì mới nhận ra mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trình báo lên Cơ quan Công an.

Để đấu tranh và phòng ngừa có hiệu quả các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Tại Điều 91 Luật Chứng khoán 2019 có quy định các công ty chứng khoán không được đưa ra nhận định hoặc đảm bảo với khách hàng về mức lợi nhuận đạt được trên khoản đầu tư của mình. Do đó người dân không nên tham gia đầu tư tài chính  nghe và làm theo lời dụ dỗ về việc sẽ đem lại lợi nhuận cao nhất là khi bản thân không có kiến thức về chứng khoán.

Người dân cần phải tìm hiểu kỹ càng các thông tin, và trang bị kiến thức về đầu tư tài chính, chứng khoán trước khi tham gia đầu tư.

Tuyệt đối không nghe và làm theo những lời dẫn dụ về đầu tư tài chính trên không gian mạng từ những đối tượng không quen biết trên mạng xã hội. Khi nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cần phải thông báo cho người thân, tố giác với Cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại về tài sản.


Tác giả: Duy Nam