A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm quyền trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây tác động tiêu cực toàn cầu, song song với nỗ lực phòng, chống dịch, Chính phủ nước ta đã chỉ đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo vệ an toàn trẻ em, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

 

Hỗ trợ tiền cho trẻ em mồ côi do COVID-19 (Ảnh minh họa)

Đánh giá sai lệch về kết quả bảo đảm quyền trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Việt Nam

Vừa qua, Báo cáo “Chính phủ gây hại đến quyền trẻ em trong học tập trực tuyến” của tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) xếp Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có nền tảng học tập trực tuyến do Chính phủ cung cấp hoặc tài trợ gây tổn hại đến quyền riêng tư của trẻ em, không có bất kỳ một chính sách bảo vệ quyền riêng tư cho các em khi bị buộc phải học trực tuyến, nhất là trong thời gian phong tỏa do đại dịch COVID-19. Đây là nội dung đánh giá thiếu khách quan, thiếu chính xác về nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền trẻ em trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 toàn cầu.

Kết quả bảo đảm quyền trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

 Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam; ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 4 bùng nổ tác động nặng nề đến trẻ em, đối tượng yếu thế trong xã hội với những hệ lụy khôn lường về tính mạng, sức khỏe và chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa toàn cầu, Chính phủ đã có nhiều giải pháp cấp bách tập trung bảo vệ, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong đó, đã xây dựng và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ trẻ em, trọng tâm là Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, trong đó có quy định trẻ em bị nhiễm COVID-19, trẻ em bị cách ly tập trung (F1), lao động mang thai và lao động nuôi con dưới 6 tuổi. Tính đến cuối tháng 3/2022, đã có 49.730 người lao động đang mang thai và 568.650 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động đã được hỗ trợ bổ sung với mức 01 triệu đồng/người; 178.210 trẻ em là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 01 triệu đồng/người.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ khẩn cấp 3.695 trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trẻ em mồ côi do COVID-19, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 từ nguồn vận động xã hội với tổng kinh phí 18, 298 tỷ đồng. Thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em mồ côi theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ. Các Bộ, ngành triển khai công tác rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật, chính sách về trẻ em bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu về công tác trẻ em, bảo đảm quyền trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg  ngày 31/12/2021 về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đồng thời, chỉ đạo kịp thời các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Công tác truyền thông hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt chăm sóc, hỗ trợ trẻ em mồ côi trong dịch COVID được chú trọng thực hiện. Trong đó, đã xây dựng, phát hành 11 sản phẩm gồm các tài liệu hướng dẫn, sản phẩm tư vấn, truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch COVID-19; in ấn, phát hành 200.000 sản phẩm truyền thông về hướng dẫn bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em trong khu cách ly tập trung đến gần 400 cơ sở cách ly tập trung; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội về chăm sóc trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em, phòng ngừa xâm hại bạo lực trẻ em.

Đẩy mạnh triển khai dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trong đại dịch COVID-19. Hình thành mạng lưới với các chuyên gia tâm lý, tình nguyện sẵn sàng tiếp nhận hỗ trợ, chăm sóc, ổn định tâm lý, can thiệp, phòng ngừa các trường hợp trẻ em bị sang chấn tâm lý trong bối cảnh dịch bệnh. Mở rộng dịch vụ tư vấn của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 về tiếp nhận hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị sang chấn tâm lý, hướng dẫn hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trong dịch bệnh COVID-19. Chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Lao động, Thương binh và xã hội triển khai chăm sóc trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, trong đó chú trọng chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; học tập; chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội và trợ giúp pháp lý; chăm sóc thay thế cho các em, ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân và gia đình.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tại cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em về chăm sóc trẻ em mồ côi, quy trình chăm sóc thay thế cho trẻ em mồ côi, phòng, chống xâm hại trẻ em trong dịch COVID-19, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em. Tăng cường công tác liên ngành và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành triển khai các giải pháp ứng phó hỗ trợ bảo đảm quyền trẻ em trong dịch COVID-19. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân triển khai các gói hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng, trẻ em mồ côi do COVID-19 bảo đảm cuộc sống trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đã tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và các tổ chức quốc tế khác nghiên cứu, đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến quyền trẻ em làm cơ sở xây dựng chính sách, kế hoạch đặc thù, giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em sau đại dịch, xây dựng hướng dẫn, tài liệu hỗ trợ cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em.


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan