A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với âm mưu phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Chủ động nhận diện và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị là hết sức quan trọng góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là sự kiện chính trị quan trọng, diễn ra trong thời điểm đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thực hiện thành công cuộc bầu cử góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bầu ra những người tiêu biểu đủ đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Thế nhưng, đi ngược lại với mong muốn đó, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị lại tỏ thái độ hằn học, chống đối và xem đây là thời cơ để chống phá. Lợi dụng không gian mạng, nhiều tổ chức phản động lưu vong như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều Đại Việt” và một số cá nhân, hội nhóm chống đối trong nước đang tiến hành các hoạt động kích động, xuyên tạc, cổ súy các hành vi trái luật liên quan bầu cử. Họ tung lên các trang mạng đủ loại thông tin xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ ta, Đảng ta. Họ phát tán nhiều tài liệu kích động phản đối Quy chế bầu cử Quốc hội và cho đó chỉ là “hình thức”. Trên Internet xuất hiện nhiều trang mạng núp bóng “truyền thông xã hội”, đưa tin, giật tít rầm rộ nhưng chỉ là những thông tin mang tính chủ quan cá nhân, thông tin không đúng sự thật. Như có kịch bản từ trước, một số trang mạng và báo, đài hải ngoại của tổ chức phản động ở nước ngoài, lập tức đăng tải những bài viết có nội dung sai trái, xuyên tạc về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Một số người tự cho là “cấp tiến” đã hô hào vận động tranh cử trên mạng, có nhóm lập facebook “Vận động ứng cử ĐBQH 2016” nhưng hoạt động như một tờ báo điện tử phỏng vấn, viết bài “đánh bóng”, lăng xê một số người tự ứng cử thuộc nhóm “xã hội dân sự”; gán ghép khập khiễng với một số hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết trong quá trình hội nhập. Mục đích của chúng là lôi kéo số chống đối tự ứng cử tràn lan, xuyên tạc các quy định về bầu cử, gây mất an ninh trật tự, phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp sắp tới.

Với trách nhiệm lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng ta đã sớm ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, yêu cầu: Các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử theo tinh thần dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Và thực tế, trong tổ chức Hội nghị hiệp thương, các khâu, các bước của quy trình bầu cử đều có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng trình tự pháp luật nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của người dân, nâng cao chất lượng đại biểu.

Với mục tiêu để cuộc bầu cử thành công và thực sự là ngày hội của nhân dân, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum đã và đang ra sức giải quyết những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, tạo bầu không khí phấn khởi, tin tưởng và đồng thuận xã hội. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, quán triệt sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, các cấp ủy, chính quyền, ủy ban bầu cử các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã chủ động, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác bầu cử ĐBQH đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Theo đó, ngày 08/10/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1218/QĐ-UBND về việc thành lập Ủy ban bầu cử (UBBC) đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2021-2026 do đồng chí Nguyễn Văn Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh là Chủ tịch. Tổ giúp việc cho UBBC tỉnh đã tổ chức họp để triển khai và phân công công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đến 13 thành viên của Tổ. Tiếp đến, ngày 07/01/2021, UBBC tỉnh ban hành Kế hoạch số 55-UBBC để triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 trên địa bàn tỉnh; ngày 19/02/2021, UBBC tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 604/KH-UBBC về kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Điều đó cho thấy, mưu đồ sau những phát tán, rêu rao của những đối tượng “dân chủ mạng” chỉ có thể đánh lừa người nhẹ dạ cả tin, chứ không thể lay chuyển được niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Đặc biệt, UBBC tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử theo quy định tại Điều 39 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, vượt tiến độ 12 ngày so với quy định của Luật. Hiện nay, UBBC tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ con dấu các loại và in ấn gần 500 bộ hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh; ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử. Theo đó, đối với bầu cử đại biểu Quốc hội tỉnh, toàn tỉnh tổ chức 2 đơn vị bầu cử để bầu 6 đại biểu Quốc hội. Trong đó, đơn vị bầu cử số 1 (bầu 3 đại biểu) gồm các huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ia H’Drai và thành phố Kon Tum; đơn vị bầu cử số 2 (bầu 3 đại biểu) gồm các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Đăk Glei. Đối với bầu cử HĐND tỉnh, toàn tỉnh sẽ bầu 51 đại biểu tại 13 đơn vị bầu cử; trong đó, thành phố Kon Tum có 3 đơn vị bầu cử, huyện Đăk Hà có 2 đơn vị bầu cử, các huyện còn lại có 1 đơn vị bầu cử/huyện.

Từ nay đến sau ngày bầu cử 23/5/2021, các thế lực thù địch sẽ vẫn tiếp tục xuyên tạc chống phá cuộc bầu cử. Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, cấp ủy Đảng các cấp cần triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đặc biệt, cần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, biểu thị rõ thái độ dứt khoát trước các biểu hiện lừa gạt, kích động của các thế lực thù địch góp phần giữ vững thế trận lòng dân trước sự chống phá của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân; động viên cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử. Các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp cần phối hợp chặt chẽ để nắm bắt tư tưởng chính trị, tâm tư nguyện vọng; đề ra các giải pháp kịp thời đối với những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề có thể phát sinh; tuyên truyền bảo đảm tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất. Đồng thời, cần tăng cường xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, đa dạng, phong phú, tạo điều kiện cho đông đảo nhân dân được tiếp cận những thông tin chính thống, tin cậy, tích cực, nhân văn, tránh để các thế lực phản động lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng vấn đề bảo vệ môi trường kích động nhân dân tụ tập đông người.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự, âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp phát huy vai trò tuyên truyền, vận động của người có uy tín, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Hoài Nhung