A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lật tẩy chiêu trò đột lốt “tự ứng cử” của một số phần tử phản động, chống phá

Cứ mỗi dịp bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), các phần tử chống phá đều ráo riết thực hiện chiêu trò tự ứng cử. Khi biết chắc không đạt được mục đích, chúng dùng thủ đoạn bôi nhọ, xuyên tạc công tác bầu cử nhằm làm giảm niềm tin của cử tri, phá hoại bầu cử.

Chiêu trò “tự ứng cử” của các phần tử chống đối, phá hoại

Từ năm 1946, trong lần Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, sau khi không phá hoại được Tổng tuyển cử, Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội đã đòi 70 ghế trong Quốc hội. Trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, từng có “làn sóng” tự ứng cử của các “nhà dân chủ” và một số văn nghệ sĩ biến chất. Có thể thấy chiêu bài “đòi ghế” trong Quốc hội và HĐND các cấp của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị không phải là vấn đề mới.

Với hy vọng hão huyền nếu trúng cử sẽ biến Quốc hội, HĐND trở thành diễn đàn cho các phần tử chống đối, phá hoại thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, gây rối hoạt động của cơ quan dân cử nói riêng và của Nhà nước nói chung, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mục tiêu cuối cùng của chúng là thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ngay trong cơ quan dân cử của nước ta.

Lợi dụng tinh thần dân chủ, một số phần tử chống đối dù biết rất rõ mình không thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ĐBQH, đặc biệt là các tiêu chuẩn trung thành với Hiến pháp; gương mẫu chấp hành pháp luật, thậm chí có những người vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng vẫn đi tự ứng cử hòng chống phá bầu cử. Và tất nhiên với bản “lý lịch đen” chống phá Đảng, Nhà nước, lợi dụng quyền tự ứng cử để phá rối, gây hại, đương nhiên họ sẽ không nhận được sự ủng hộ của cử tri.

Cùng với việc tự ứng cử, các đối tượng còn xây dựng trang mạng (facebook, fanpage, blog…) công khai vận động cử tri, đưa tin, hình ảnh, bài viết về những người “tự ứng cử” nhằm khuếch trương thanh thế, thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội. Thành lập nhóm facebook, zalo kín để bàn bạc thực hiện ý đồ. Đặc biệt, các đối tượng lập kênh Youtube, hoạt động như một kênh truyền hình để tuyên truyền kêu gọi ký tên ảo, bỏ phiếu online cho các “nhà dân chủ” tự ứng cử. Đưa tin, bài viết phê phán, xuyên tạc, vu cáo chính quyền, cho rằng Đảng phân biệt đối xử với những người tự ứng cử… Có thể thấy mục đích cơ bản nhất của chiêu trò “tự ứng cử” mà các “nhà dân chủ dỏm” đó đang thực hiện là nhằm phá hoại bầu cử. Đồng thời, thông qua việc tự ứng cử ĐBQH, các đối tượng đánh bóng tên tuổi của bản thân.

2-1617852939

Các đối tượng đưa tin, hình ảnh, bài viết về những người “tự ứng cử”

Khi không đủ điều kiện và bị loại qua các vòng hiệp thương, các thế lực thù địch tìm mọi cách để xuyên tạc, hướng lái dư luận hiểu theo hướng những người tự ứng cử bị gây khó dễ. Các đối tượng này lên mạng xã hội rêu rao rằng: chỉ có những người theo Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử ĐBQH; Đảng Cộng sản cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử. Rồi bịa đặt, xuyên tạc rằng hội nghị cử tri nơi cư trú chỉ là “nơi đấu tố”, lên án, loại bỏ người tự ứng cử.

Không để các thế lực xấu hòng phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và  HĐND các cấp

Các thế lực thù địch tìm mọi cách để xuyên tạc, hướng lái dư luận hiểu theo hướng những người tự ứng cử bị gây khó dễ

Điển hình là vụ việc liên quan đến đối tượng Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh. Đây là những đối tượng thường xuyên đăng tải các bài viết, hoặc livestream xuyên tạc, nói xấu chính quyền, bình luận một cách méo mó các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tháng 3/2021, các đối tượng trên bị bắt tạm giam về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ngay lập tức số phần tử phản động trong và ngoài nước đã lên tiếng cho rằng, Hùng và Khánh bị bắt là vì lý do “tự ứng cử ĐBQH “.

Hiểu đúng về quyền ứng cử

Quyền ứng cử là quy định của pháp luật về việc công dân có đủ điều kiện thể hiện nguyện vọng của mình được ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND.

Từ Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 cho đến tất cả những bản Hiến pháp sau này đều quy định rất rõ: Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND (Điều 18, Hiến pháp năm 1946; Điều 23, Hiến pháp năm 1959; Điều 57, Hiến pháp năm 1980; Điều 54, Hiến pháp năm 1992; Điều 27, Hiến pháp năm 2013).

Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng quy định công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Luật quy định rõ: “Người tự ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên” (điểm b, khoản 1, Điều 36, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND).

Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng nêu rõ: “Bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật”.

Những trường hợp không được ứng cử quy định tại Điều 37, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND (người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang bị khởi tố bị can; người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của tòa án; người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của tòa án nhưng chưa được xóa án tích; người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn).

Theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, người ứng cử ĐBQH phải đáp ứng tiêu chuẩn của ĐBQH quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội; người ứng cử đại biểu HĐND phải đáp ứng tiêu chuẩn của đại biểu HĐND quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Do vậy, chỉ những người ứng cử đáp ứng đủ tiêu chuẩn mới có tên trên danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3. Theo quy định, cử tri nơi cư trú hoặc cử tri nơi công tác sẽ nhận xét người ứng cử có đủ tiêu chuẩn ứng cử hay không và trực tiếp biểu quyết nhất trí hay không nhất trí để người đó ứng cử ĐBQH/đại biểu HĐND. Kết quả của hội nghị cử tri là một trong những căn cứ quan trọng để MTTQ Việt Nam hiệp thương và quyết định điền tên người ứng cử vào danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử hay không. Đây là quy trình rất chặt chẽ nhằm sàng lọc và loại bỏ những người ứng cử không đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH, đại biểu HĐND từ trước khi bầu cử.

Khuyến khích người có đức, có tài tự ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND để góp sức xây dựng đất nước.

Những năm gần đây, số người thực hiện quyền ứng cử, tự ứng cử vào Quốc hội ngày một nhiều hơn. tại kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIII vào năm 2011, có tới 82 người tự ứng cử ở 22 tỉnh, thành phố được lập danh sách ở vòng 2 và đã có 15 người lọt và danh sách bầu ĐBQH. Trước đó, tại kỳ bầu cử ĐBQH khóa XII vào năm 2007, có 30 người tự ứng cử lọt vào vòng cuối cùng. Số người tự ứng cử được lọt vào vòng chính thức kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIII cao hơn kỳ trước khá nhiều, trên 18% so với khoảng 12%. Còn tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV hiện nay, vẫn theo ông Nguyễn Văn Pha, tính đến ngày 5-3, cả nước đã có hơn 50 người tự ứng cử, có xu hướng tăng hơn so với các nhiệm kỳ trước và con số này sẽ còn tăng trong những ngày tới.

Năm 2007, TP.Hồ Chí Minh là địa phương có số người nộp đơn tự ứng cử ĐBQH nhiều nhất cả nước (hơn 100 người). Còn năm 2011, địa phương này cũng có 22 người tự ứng cử. Không chỉ các thành phố lớn mới có nhiều người tự ứng cử mà tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII, ở Nghệ An từng có tới 2 người tự ứng cử trúng cử. Trong đó, bác sĩ Nguyễn Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng các tiến bộ y học Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Minh Hồng 2 lần tự ứng cử ĐBQH đều trúng cử hai khóa liền. (Trích Báo Quân đội nhân dân, Điều gì phía sau trào lưu “ồ ạt tự ứng cử”?).

Thực tế này đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc cho rằng, bầu cử ĐBQH ở Việt Nam chỉ là sân chơi “độc diễn” của Đảng, không có cửa cho các ứng cử viên tự do.

Hiện nay, các thế lực phản động, chống đối đang tìm mọi thủ đoạn để phá hoại bầu cử. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần tỉnh táo, cảnh giác với các thế lực phản động, thực hiện đúng nghĩa vụ và quyền lợi góp sức tích cực vào thành công của Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hoài Anh