A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa": Chủ động, kiên quyết, nghiêm minh hơn nữa

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang thực sự trở thành một trong những nguy cơ, thách thức hàng đầu đối với sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Hiện tượng này diễn ra trên nhiều phương diện, nảy sinh ở những cán bộ, đảng viên, quần chúng và cũng có thể nảy sinh từ những cán bộ, đảng viên giữ chức vụ ở các cấp. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trong một quá trình và biểu hiện qua nhiều dấu hiệu cụ thể trong tâm lý, tư tưởng, đạo đức và lối sống hằng ngày. Nó dẫn đến sự thay đổi hành vi, thay đổi về quan điểm chính trị và là mầm mống của các hoạt động chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa dưới nhiều hình thức. Vì vậy, nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là yêu cầu mang tính cấp bách đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong đấu tranh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Bài 1: Nhận diện các nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Thực trạng vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đã chỉ ra: trong giai đoạn từ 2016 - 2021, có 1.623 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; hơn 2.200 đảng viên gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định, chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc, sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động; có 25.104 đảng viên (chiếm 0,5% tổng số đảng viên) suy thoái về đạo đức lối sống (15.101 đảng viên), suy thoái về tư tưởng chính trị (8.281 đảng viên) hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (1.722 đảng viên) bị xử lý kỷ luật. Trong đó có nhiều cán bộ cấp cao như ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Đinh La Thăng - nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Đức Chung - nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, bà Hồ Thị Kim Thoa - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Hiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, ông Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế,... bị kỷ luật khai trừ Đảng và bị truy tố trước pháp luật về sai phạm trong quá trình công tác; ông Chu Hảo - nguyên Thứ trưởng Bộ khoa học Công nghệ bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng do có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Những số liệu trên đã cho thấy thực trạng tình hình cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng ta diễn ra phức tạp, khó lường, từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là yêu cầu mang tính cấp bách đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong đấu tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

“Tự diễn biến là tự biến đổi theo một chiều hướng nào đó”, còn “tự chuyển hóa là tự biến đổi từ dạng này sang dạng khác”. Đối với Việt Nam khi nói tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nói tới sự suy thoái, thay đổi quan điểm, lập trường chính trị - tư tưởng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hay trong một số tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội..., “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” thường do sự tác động từ bên ngoài thông qua các hoạt động tuyên truyền thù địch, sự tác động từ những biến động tiêu cực của tình hình thế giới như: sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu hay gần đây là “Cách mạng màu”, “Cách mạng hoa”; Kết hợp với sự tác động từ bên trong bởi tình trạng mất dân chủ, quan liêu, tham nhũng, sự phân hóa giàu nghèo... dẫn tới sự bất mãn, bất bình nghiêm trọng trong xã hội. Nhưng trước hết và chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân những cán bộ, đảng viên có lập trường chính trị - tư tưởng không vững vàng, sự bất mãn hay do buông lỏng trong quản lý, giáo dục của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, Đoàn thể xã hội trong hệ thống chính trị của Nhà nước ta.

Phòng, chống “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng là một nhiệm vụ quan trọng của tất cả các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị, xã hội và của toàn dân (Ảnh: Internet)

 “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - một hiện tượng chính trị - xã hội phức tạp bao gồm nhiều biểu hiện.

Trước hết là những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị của cán bộ, đảng viên

Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ tuy xảy ra ở một bộ phận cán bộ, nhưng hiện nay nó đang có những diễn biến, biểu hiện vô cùng phức tạp. Nghiêm trọng nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, phủ nhận thành quả của cách mạng, hoài nghi về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về khả năng lãnh đạo của Đảng. Từ đó tỏ ra bất mãn với chế độ, luôn có tư tưởng đi ngược lại với quan điểm Đảng, ủng hộ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, sẵn sàng từ bỏ con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã chọn, làm phương hại đến lợi ích của Đảng, của dân tộc, thậm chí nói xấu, bôi nhọ lãnh tụ Hồ Chí Minh, phủ nhận thành quả cách mạng của cha ông ta xây dựng, bôi nhọ những gì thuộc về đất nước mình và luôn ca tụng, tung hô một cách cực đoan lối sống, xã hội phương Tây. Có thể nói đây là một biểu hiện quan trọng của sự xuống cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị và trong giai đoạn hiện nay, biểu hiện này đang có xu hướng gia tăng, không dễ ngăn chặn, đẩy lùi. Tất cả những nhận thức và hành động trên của một bộ phận cán bộ đã làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đây là mức độ nguy hiểm cao của sự xuống cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị.

Bên cạnh đó là những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên:

Song song với sự xuống cấp của một bộ phận cán bộ về tư tưởng, chính trị thì sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của đội ngũ này cũng đã và đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và phạm vi và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn ra với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”. Trong thời gian gần đây có những vụ tham nhũng, lãng phí gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc dư luận, làm giảm niềm tin của quần chúng vào vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Không chỉ có tình trạng tham nhũng, hối lộ, một số cán bộ lãnh đạo quản lý lợi dụng chức, quyền để mưu lợi cá nhân, dẫn đến coi nhẹ lợi ích tập thể, cộng đồng. Bệnh cơ hội, tư duy nhiệm kỳ, chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng, “một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước; đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển”.

Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý lợi dụng chi tiêu công, dùng tài sản công phục vụ mục đích cá nhân; có lối sống hưởng lạc, xa hoa, lãng phí không quan tâm đến đời sống còn khó khăn của nhân dân dẫn đến thói quan liêu, xa dân, lãnh đạm, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc và yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của nhân dân, thậm chí đi ngược tâm tư, quyền lợi của nhân dân, gây bức xúc trong nhân dân, làm tổn hại thanh danh và uy tín của Đảng, làm giảm niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cũng như sự lựa chọn con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Như vậy tình trạng xuống cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ ở nước ta hiện nay đã trở nên rất nghiêm trọng, với nhiều những biểu hiện khác nhau, phạm vi biểu hiện ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của quần chúng nhân dân và Đảng và Nhà nước. 

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khoá XII Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc kết cấu với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn, nguy hiểm hơn khi nhiễm phải những luận điệu sai trái, những biện pháp dụ dỗ, mua chuộc, kích động của các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị, các phần tử bất mãn.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã chỉ ra biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” mà biểu hiện rõ nhất ở quan điểm, tư tưởng phản bác, phủ nhận những vấn đề chính trị cốt tử của Đảng và thể chế chính trị - xã hội ở nước ta, từ chủ nghĩa Mác - Lênin đến các nguyên tắc tổ chức của Đảng; nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa; chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật, chính sách dân tộc, tôn giáo, đường lối đại đoàn kết dân tộc... Chính từ những “quan điểm, tư tưởng phản bác” đó cuối cùng sẽ đưa tới những hành động sai trái như: đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”; nói, viết, làm trái quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bất mãn, chống đối chính quyền; đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay nhiều đối tượng đã lợi dụng các phương tiện truyền thông nhất là mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, truyền bá tư tưởng phản động...

Hiện nay, để phát hiện ngay được những đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” sẽ là rất khó bởi vốn nó tự diễn ra trong đầu óc con người. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa từ xa và phát hiện được. Bởi những người mang tư tưởng sai lệch trước sau gì cũng sẽ thể hiện ra những hành vi sai trái và đó chính là cơ sở để nhận diện, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý. Hơn nữa, như đã nói ở phía trên, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là bước tiếp theo của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nên nếu mỗi cán bộ tự giác rèn luyện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tức là sẽ ngăn chặn được “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đồng thời, nếu không kịp thời nhận diện và kiên quyết đấu tranh với tất cả những biểu hiện, hành động trên thì nguy cơ dẫn đến vấn đề “diễn biến hoà bình” là rất lớn. 


Tác giả: Hoài Nhung
Tin liên quan