A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tác động của thông tin xấu, độc trên mạng xã hội đến thanh thiếu niên ở Việt Nam

Với lực lượng đông đảo, chiếm hơn 1/3 dân số, thanh thiếu niên là đối tượng trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Chúng tác động, hướng lái tư tưởng hòng tạo ra một thế hệ trẻ sống theo chủ nghĩa thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, sẵn sàng xét đoán quá khứ và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta bằng những “hệ thống” thông tin xấu độc, xuyên tạc, thù địch.

Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và Youtube cao nhất thế giới, thanh thiếu niên ngày càng có nhiều cơ hội tham gia vào thế giới thông tin và kết nối vô cùng rộng lớn, cùng lúc có thể tiếp cận với nhiều hệ tư tưởng và giá trị sống khác nhau. Bên cạnh những lợi ích đem lại, mạng xã hội được ví như “con dao hai lưỡi” tiềm ẩn hiểm họa khó lường đối với thanh thiếu niên, bởi tâm lý chung các em thường ưa khám phá, học hỏi thế giới xung quanh và muốn thể hiện bản thân; tâm lý nghĩ mình đã trưởng thành nên sẽ tự cho mình “quyền làm chủ” được mọi thông tin từ MXH; nhận thức chưa đầy đủ về các vấn đề chính trị – xã hội…. Chính vì vậy các em thiếu cảnh giác, dễ bị “đầu độc” bởi các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Tác động thứ nhất: Thông tin xấu, độc trên không gian mạng tác động đến nhận thức của thanh, thiếu niên về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thực tế cho thấy thanh thiếu niên là lực lượng rất nhạy cảm, thường rất dễ bị lôi kéo và kích động. Vì thế, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước luôn xem thanh niên là đối tượng đặc biệt để thực hiện các âm mưu “diễn biến hòa bình”. Chúng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet để phát tán tài liệu có nội dung phản động, thông tin xấu độc, ấn phẩm văn hóa đồi trụy để dần dần “chuyển hóa” giới trẻ, hòng tạo ra một thế hệ trẻ sống theo chủ nghĩa thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, sẵn sàng xét đoán quá khứ và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta. Những thông tin xấu độc nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ tác động tiêu cực đến tư tưởng, gieo rắc sự hoài nghi, làm giảm sút lòng tin của thế hệ trẻ đối với Đảng, Nhà nước.

Lợi dụng cái gọi là “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực phản động tập trung tấn công vào sinh viên, học sinh nhằm “tẩy não”, chuyển hóa tư tưởng, đạo đức, dẫn tới quá trình “tự diễn biến” ở thanh niên. Bằng những thay đổi tinh vi về thủ đoạn, các thế lực chống phá cách mạng Việt Nam ở nước ngoài và phản động trong nước đang thực hiện ý đồ “chiến thắng không cần chiến tranh”.

Các thế lực phản động lập ra hàng trăm tài khoản giả mạo bịa đặt nhiều thông tin sai lệch, khoét sâu vào những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong xã hội nhằm kích động giới trẻ tỏ thái độ bất mãn với đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước. Từ sự tác động đó, một số người đã bị kích động, thông qua mạng xã hội Facebook và các trang blog, diễn đàn đề cao quan điểm dân chủ tư sản, nói xấu chế độ, vu cáo, soi mói đời tư nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những vấn đề mới nổi lên vài năm gần đây trong những người trẻ, nếu không được giải quyết sẽ tạo ra lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, gây hậu quả hết sức khó lường.

Thực tế tại Liên Xô (trước đây), vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, do những biến động về chính trị, Đảng Cộng sản đã dần đánh mất vai trò lãnh đạo đất nước. Cùng sự chống phá của các thế lực ở trong và ngoài nước, nên thời điểm trước khi Liên Xô sụp đổ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Côm-xô-môn đã không còn là tổ chức chính trị-đội hậu bị của Đảng Cộng sản Liên Xô, dần phát triển thành hiệp hội của các doanh nghiệp và sớm bị suy thoái, chuyển hóa về tư tưởng chính trị, tiếp đó chính thức “biến mất” khỏi vũ đài chính trị của đất nước. Đội thiếu niên và nhi đồng cũng cùng chung số phận, thanh thiếu niên bị mất phương hướng, “phi chính trị hóa” theo đúng kịch bản của các thế lực thù địch.

Tác động thứ hai: Thông tin xấu, độc là tin giả, các phát ngôn thù ghét, nói xấu, phỉ báng, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên mạng,… làm khủng hoảng đời sống thanh thiếu niên.

Một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like), chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực. Nhiều người cho rằng mạng xã hội là ảo, không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, hành xử của mình. Tâm lý đó cộng hưởng với các công cụ được tạo ra để thu hút người dùng của truyền thông xã hội, cùng với sự bất cập, hạn chế trong quản lý của các cơ quan chức năng càng làm cho việc phát tán thông tin xấu, độc trở nên dễ dàng và nguy hiểm. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra, hiện tượng tin giả, các phát ngôn thù ghét, nói xấu, phỉ báng, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên mạng,… đang trở nên đáng báo động. Những hành vi lệch lạc này có thể làm khủng hoảng đời sống cá nhân, có cá nhân đã lựa chọn cái chết làm lối thoát[1].

Trước đây đã có nhiều cô gái, nữ sinh rất trẻ tuổi bỗng nổi tiếng trên Facebook vì bị đăng tải clip nóng, hoặc bị ghép hình, tung thông tin về câu chuyện lộ clip nóng. Những cô gái ấy đã rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần, cuối cùng đã chọn kết cục bi thương là cái chết. Năm 2017, một nữ sinh ở Hà Nội đã uống thuốc sâu tự tử chỉ vì bị ghép ảnh mặc chiếc áo rộng cổ hay năm 2018, một nữ sinh Nghệ An (học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã tự tử khi bị lộ clip hôn bạn trai trong lớp. Điểm chung giữa những sự việc thương tâm trên chính là nạn nhân phải chịu áp lực quá khủng khiếp từ dư luận, đặc biệt là từ mạng xã hội. Những cư dân mạng thiếu trách nhiệm với những thông tin chia sẻ, những lời bình luận đã vô tình tiếp thêm nỗi đau cho nạn nhân và để lại những hậu quả khôn lường…

Tác động thứ ba: Những thông tin xấu, độc tác động, làm lệch lạc về hành vi, nhân cách sống của thanh thiếu niên, dẫn tới hậu quả khó lường, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Giới trẻ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập, trao đổi thông tin hữu ích, chia sẻ, kết nối bạn bè. Tuy nhiên trên mạng hiện nay có vô số thông tin, hình ảnh nội dung xấu, độc tác động, làm lệch lạc về hành vi, nhân cách sống của thanh thiếu niên, dẫn tới các hậu quả khó lường.

Gần đây, trên mạng xã hội và Internet xuất hiện cái gọi là “Bảng xếp hạng giang hồ Việt Nam”. Để có mặt trong bảng xếp hạng “máu mặt” nêu trên, bên cạnh việc chứng minh thành tích bất hảo đã được kiểm chứng qua tiền án, tiền sự liên quan hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép,… còn có yêu cầu nhân vật phải tạo được ảnh hưởng trên các mạng xã hội như youtube, facebook… Cá biệt, vài người trong bản danh sách trên còn sở hữu lượng người hâm mộ không thua kém nhiều ngôi sao giải trí nổi tiếng trong nước. Theo tuyên bố của Khá “Bảnh” – nhân vật có “số má” trong bảng xếp hạng giang hồ, chỉ tính riêng thu nhập từ trang facebook cá nhân cùng hai kênh youtube của anh ta đã lên đến hàng trăm triệu đồng một tháng. Nhiều video của Khá “Bảnh” đều thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ của cộng đồng mạng. Đáng lo ngại, một bộ phận các bạn trẻ vẫn ra sức cổ súy cho những hiện tượng này mà không biết rằng mình đang “nuôi dưỡng” tình trạng sai lệch chuẩn mực xã hội.

Phiên tòa xét xử Khá “bảnh” có rất nhiều học sinh đến xem. Ảnh minh họa

Tính độc hại của các sản phẩm này được minh chứng, thể hiện rất cụ thể qua hiện tượng thanh, thiếu niên phạm tội do tác động từ phim ảnh bạo lực đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam và trên thế giới. Cũng từ lý do ấy, giới tội phạm đang ngày càng quan tâm tới vai trò, ảnh hưởng của truyền thông với mục đích, hành vi, hành xử xấu của họ. Với nhiều đối tượng xấu, mạng xã hội là nơi tạo ra cơ hội béo bở giúp tiếp cận nạn nhân, thu nạp đệ tử, phô trương thanh thế. Thậm chí, đã có người trong số này còn cộng tác với một số ca sĩ, nghệ sĩ cùng thực hiện các dự án phim, sản phẩm âm nhạc ca ngợi cuộc đời lưu manh, giang hồ, tù tội… Ở chiều ngược lại, với một bộ phận khán thính giả vốn bị tiêm nhiễm bởi các sản phẩm bạo lực, đồi trụy lại nảy sinh nhu cầu trò chuyện, giao lưu trực tiếp với những cá nhân, tội phạm bất hảo cụ thể như để được hiện thực hóa giấc mơ phi nhân tính. Đã có một số người công khai bày tỏ nguyện vọng được “các anh chị lớn” thu nạp, thành đệ tử, tay sai trong các băng nhóm, tổ chức xã hội đen (2).

Đáng lo ngại, nhiều đối tượng lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội và Internet để tìm hiểu cách sản xuất, tự chế thuốc pháo dẫn đến hậu quả chết người như trường hợp của Trần Hoàng Phúc, học sinh lớp 7 tại xã Yên Phương, huyện Ý Yên vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua. Có trường hợp lên mạng để kêu gọi đua xe trái phép, sử dụng ma túy tổng hợp, thậm chí hướng dẫn học sinh, sinh viên sản xuất và sử dụng súng tự chế. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật.

Một thực trạng hiện nay trên Internet, mạng xã hội và ngay cả trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử, dường như để tăng tính hấp dẫn đối với người đọc, tần suất xuất hiện của các tin, bài về các vụ án, hiện tượng lệch lạc khá dày đặc; thông tin được mô tả khá chi tiết diễn biến sự việc và hành vi thực hiện. Như vậy, thay vì đạt được mục đích cảnh báo và định hướng dư luận xã hội, cách đưa thông tin quá cụ thể vô hình chung đã tạo nên hệ quả ngược và trở thành “cơ hội” người trẻ bắt chước theo hành vi đó.

Tác động thứ tư: Thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý của thanh thiếu niên.

Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn của thông tin xấu, độc trên các trang mạng xã hội rất dễ làm cho người tham gia bị sa đà vào “biển thông tin” hỗn loạn đó lúc nào mà không hay biết, làm cho các bạn thanh thiếu niên sao nhãng việc học hành, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo trong đời sống thực. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý của giới trẻ.

Theo thông tin từ Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa), khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị ngoại trú cho khoảng trên dưới 30 ca mắc hội chứng “nghiện” internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Những bệnh nhân này phần lớn ở độ tuổi từ 13-25, thời gian sử dụng Internet và mạng xã hội từ 8-10 giờ/ngày, có trường hợp “lướt mạng” thâu đêm suốt sáng. Biểu hiện thường thấy ở những bệnh nhân này là bỏ bê công việc, trầm cảm, sống thu mình, hạn chế giao tiếp với bên ngoài, ít ăn, ngủ kém, có triệu chứng rối loạn vận động, hay cáu gắt, phản ứng thái quá khi bị “tước” mất máy tính, điện thoại thông minh hay bị cắt nguồn internet, wifi…

Mạng xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp, mở rộng mà các thế lực thù địch lợi dụng để thúc đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam. Thông tin xấu độc trên không gian mạng tác động tiêu cực đến tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội, tiếp tay cho quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, cần có giải pháp giúp thanh thiếu niên “đề kháng” trước thông tin xấu, độc trên mạng xã hội góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

  1. “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”, Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

2. Cảnh giác với hoạt động tội phạm trên mạng xã hội-Quang Minh, Báo Nhân dân điện tử.

Hoài Anh