A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiên tai, dịch bệnh và những nguy cơ mất ổn định chính trị-xã hội

Bước vào thời kỳ mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mọi lĩnh vực đời sống xã hội thì sự xuất hiện của các vấn đề thiên tai, dịch bệnh là không thể tránh khỏi đã gây ra những hệ lụy khôn lường và đặt ra nhiều thách thức đối với sự ổn định chính trị-xã hội.

C:\Users\Admin\Desktop\untitled.png

Lợi dụng dịch COVID-19 xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Ảnh: cand.com.vn

Thiên tai, dịch bệnh-vấn đề an ninh phi truyền thống.

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong mục “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nguyên nhân và kinh nghiệm” đã nhấn mạnh: “Chủ động đấu tranh kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động” (trích Chủ động phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, Báo Công an nhân dân online). Thực tiễn thời gian qua trên thế giới và ở Việt Nam, diễn biến ngày càng phức tạp của các loại hình thiên tai, dịch bệnh đã minh chứng rõ nhận định tại dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng là hoàn toàn xác thực, đúng đắn.

Trong bối cảnh hiện nay, tác động mặt trái của xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, vấn đề an ninh quốc gia không chỉ giới hạn trong việc ngăn chặn, ứng phó với các nguy cơ chiến tranh mà còn bao hàm nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm, suy thoái môi trường, cạn kiệt nguồn nước, sử dụng các vũ khí sinh thái, khủng bố, dịch bệnh, di cư tự do, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao… Xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, mạng Internet và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mang lại cho con người cuộc sống tiện ích. Song cùng với đó, thiên tai, dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều đe dọa và gây ra những thiệt hại lớn. Đây là điều dễ hiểu bởi thiên tai, dịch bệnh hay diễn biến thời tiết cực đoan xuất hiện một phần do sự tác động từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của con người. Hoạt động của con người tác động đến môi trường, đến các hệ sinh thái tự nhiên làm mất cân bằng sinh học sẽ tạo ra những biến đổi tiêu cực về thời tiết. Và thiên tai, dịch bệnh được xác định là vấn đề an ninh phi truyền thống bởi những hệ lụy đối với sự ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội do chúng gây ra là không hề nhỏ.

Năm 2020, cả thế giới gồng mình chống chọi làn sóng đại dịch COVID-19 với những thiệt hại to lớn về tính mạng con người và hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội. Mặc dù được đánh giá là quốc gia phòng chống dịch bệnh tốt nhất thế giới với những quyết sách chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt và sự đồng lòng, quyết tâm cao của toàn xã hội, song hậu quả do đại dịch gây ra với Việt Nam cũng không hề nhỏ. Khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát tốt thì liên tiếp các đợt bão đổ bộ vào đất liền gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương bị ảnh hưởng.

Vậy khi xuất hiện, các vấn đề an ninh phi truyền thống gây ra những hệ lụy về an ninh trật tự, an toàn xã hội như thế nào?.

Nguy cơ mất ổn định chính trị-xã hội từ vấn đề an ninh phi truyền thống.

Trước hết, phải kể đến đó là hệ lụy về an ninh chính trị. Dịch bệnh, thiên tai không chỉ gây thiệt hại tính mạng, tài sản mà âm ỉ hơn nó trở thành miếng mồi béo bở cho các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ hơn. Từ hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra và những vấn đề xã hội xoay quanh, các đối tượng chống đối lấy đó làm đề tài bàn luận, phán xét, xuyên tạc, phê phán Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, nói xấu chính quyền thông qua những hình ảnh, video cắt ghép, chỉnh sửa đi kèm với các luận điệu vô căn cứ, trắng trợn. Thủ đoạn này đã trở nên quen thuộc với “bổn cũ soạn lại” không có gì mới. Các “anh hùng bàn phím”, các đài tiếng nói dân chủ VOA, RFA, RFI, BBC, Chân trời mới media, trang Nhật ký yêu nước… ra sức lợi dụng những sơ hở, thiếu sót còn tồn tại, vạch lá tìm sâu, phủ nhận, quy chụp mọi nỗ lực, cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ và chính quyền các cấp phòng chống thiên tai, dịch bệnh; bôi nhọ lực lượng vũ trang-những con người luôn sát cánh cùng nhân dân dù trong thiên tai hay dịch bệnh. Các tổ chức phản động Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Hội anh em dân chủ, BPSOS… và các đối tượng chống đối trong và ngoài nước tổ chức nhiều cuộc thăm dò ý kiến qua mạng, gây áp lực với chính quyền đối với các quyết sách như đóng cửa biên giới với Trung Quốc, yêu cầu các doanh nghiệp có công nhân Trung Quốc, Hàn Quốc dừng sản xuất, học sinh nghỉ học, trung tâm thương mại, siêu thị đóng cửa; kêu gọi, kích động công nhân đình công tập thể, hô hào người dân tích trữ lương thực, thực phẩm gây ra tình trạng hoảng loạn trong quần chúng nhân dân…

Điều đáng nói là, sự đối lập giữa những nỗ lực của toàn xã hội trong công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai với sự thong dong, “thùng rỗng kêu to” hay “nước mắt cá sấu” của các “anh hùng bàn phím”, những “nhà dân chủ” hiện đại cho thấy sự lố bịch của chúng. Tại sao khi thiên tai, dịch bệnh chỉ thấy lực lượng Công an, Quân đội, chỉ thấy chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, vậy thời điểm ấy, bóng dáng của các “nhà dân chủ yêu nước” ở đâu? Những luận điệu xuyên tạc này lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và thu hút người đọc bằng cách lý luận nghe dường như rất “có lý”!?!, từ đó dần tác động, làm thay đổi nhận thức của người dân về một bức tranh xã hội Việt Nam đầy tiêu cực, hướng lái tư tưởng, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Âm mưu phá hoại tư tưởng thâm độc này nếu không bị phát hiện, ngăn chặn, phản bác kịp thời sẽ gây hậu quả khôn lường theo hướng “mưa dầm thấm lâu” hết sức nguy hiểm.

Nạn tin giả, một trong những hệ lụy rõ nét của thiên tai, dịch bệnh. Khi chưa nhận thức đầy đủ tính chính xác của nguồn tin được tiếp cận về tình hình dịch bệnh hay diễn biến của mưa bão, các chủ tài khoản facebook đã vô tư đăng tải lên trang cá nhân mà không cần kiểm chứng. Cũng có trường hợp cố tình đăng tải nhằm mục đích câu like, giật tít, gây mất ổn định trật tự xã hội. Hậu quả là thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng và gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ sau hơn 2 tháng từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại nước ta, trên không gian mạng Việt Nam đã có hơn 900.000 thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh. Trong đó, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật, hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả về dịch bệnh bị cơ quan chức năng xử lý.

Hệ lụy tiếp theo phải kể đến là tình hình trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp. Thiên tai, dịch bệnh xuất hiện, nhiều loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật cũng nảy sinh. Trong dịch bệnh COVID-19, tội phạm đầu cơ, nâng giá vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch (khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tay…) để trục lợi; tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; tội phạm chống người thi hành công vụ… xuất hiện ngày càng nhiều. Chỉ từ ngày 01/4/2020 đến giữa tháng 4/2020, trong thời gian cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội, đã xảy ra 23 vụ chống lại lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 liên quan đến 32 đối tượng, làm bị thương 13 người (trong đó có 12 cán bộ Công an). Bộ Công an đã vô hiêụ hóa 97 hội nhóm, 80 trang facebook hoạt động kinh doanh trực tuyến, mua bán khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch với giá cao; xử lý 209 cơ sở kinh doanh đầu cơ, làm giải các mặt hàng y tế để trục lợi…

Bên cạnh đó, một số vụ án lợi dụng việc mua máy xét nghiệm SAR-CoV-2 để chiếm đoạt tài sản Nhà nước cũng gióng lên hồi chuông đáng báo động. Điển hình vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế Hà Nội, Cựu Giám đốc CDC Hà Nội đã câu kết với các doanh nghiệp tự ý nâng giá nhập máy xét nghiệm lên gấp 3 lần so với giá thực tế từ 3 tỉ lên 7 tỉ đồng để chia nhau phần chênh lệch. Không những vậy, dịch bệnh COVID-19 còn khiến ngưng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế cơ hội việc làm, tỷ lệ người thất nghiệp gia tăng dẫn đến các loại tội phạm mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản phát sinh ngày càng nhiều, tội phạm ma túy, đánh bạc, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép tại khu vực biên giới cũng là vấn đề đáng chú ý. Chính vì vậy, trong các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Công an luôn nhấn mạnh phải chú trọng công tác đảm bảo an ninh, trật tự, kịp thời phát hiện, xử lý những hệ lụy nảy sinh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thiên tai, dịch bệnh xảy ra kéo theo nhiều hậu quả về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do đó, nhận thức rõ hệ lụy từ các vấn đề an ninh phi truyền thống để chủ động có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh là giải pháp cần thiết hiện nay với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, Chính phủ và quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị để vượt qua những tác động tiêu cực của thách thức an ninh phi truyền thống.

Khánh Vi