A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc và nỗ lực đảm bảo quyền con người

Ngày 11/10/2022, tại Trụ sở Liên Hợp quốc, Việt Nam đã trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025 với 14 quốc gia thành viên. Đây là sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng khẳng định vị thế Việt Nam không ngừng được củng cố, nâng cao trên trường quốc tế, là sự ghi nhận của thế giới đối với Việt Nam trong nỗ lực đảm bảo quyền con người. 

           Nỗ lực đảm bảo quyền con người của Việt Nam thời gian qua

          Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc với nhiệm kỳ lần thứ nhất trước đó 2014-2016. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025 - Ảnh 3.

       Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 (Ảnh minh họa)

         Với mong muốn đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới, Việt Nam đã được Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của Hội hội cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025. Để đạt được kết quả này, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người một cách toàn diện, tổng thể trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung, đồng thời tôn trọng các quy định pháp luật liên quan của mỗi nước.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có riêng một chương gồm 36 điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Từ đó đến nay, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có một số đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Trưng cầu ý dân 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Luật An ninh mạng 2018, Bộ luật Lao động sửa đổi 2019… Bên cạnh đó, việc bảo đảm các quyền con người của Việt Nam được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam hiện là thành viên của 07/09 công ước quốc tế quan trọng về quyền con người; trong đó, có Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước chống tra tấn. Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã triển khai các biện pháp đồng bộ, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Các thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội và việc tăng cường hội nhập quốc tế đã tạo ra điều kiện vật chất và nguồn lực để Việt Nam đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân. Việt Nam đã hoàn thành trước hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và đang tích cực triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Việt Nam nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo đảm quyền tối thượng là quyền được sống của người dân; đồng thời, thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương. Vượt qua khó khăn của đại dịch và bất ổn kinh tế thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 của Việt Nam tăng hơn 8,02%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt hơn 92% dân số. Việt Nam nằm trong nhóm các nước đứng đầu khu vực và thế giới về phụ nữ tham chính với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trên 30%. Dù đang là nước có thu nhập trung bình thấp, song Việt Nam nằm trong nhóm các nước có Chỉ số Phát triển Con người (HDI) cao, tăng 5 bậc trong giai đoạn 2015-2021.

Trong các nỗ lực quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào tiến trình hợp tác quốc tế, khu vực, đa phương và song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó, có việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Về song phương, Việt Nam chủ trương thúc đẩy hợp tác và đối thoại nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ nâng cao năng lực để thực hiện tốt hơn việc đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam và các nước liên quan.

Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á về quyền con người, đặc biệt, trong quá trình xây dựng Hiến chương và Cộng đồng ASEAN, Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN, thành lập và hoạt động của các cơ chế ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực phù hợp với các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung, tạo khuôn khổ cho việc tăng cường hợp tác trong ASEAN trong lĩnh vực này.

Tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng. Việt Nam đề cao và thúc đẩy tinh thần hợp tác, đối thoại, tăng cường hiểu biết để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm giải pháp hữu hiệu, bền vững đối với các thách thức về quyền con người, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi. Phát biểu tại Phiên họp Cấp cao khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc tổ chức vào tháng 2 vừa qua tại Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ Việt Nam khẳng định “Hành trang của Việt Nam đến với Hội đồng Nhân quyền là lịch sử hào hùng của dân tộc, những thành tựu đáng tự hào trong đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, là chủ trương luôn đặt con người ở vị trí trung tâm trong quá trình phát triển, cùng với quyết tâm gánh vác các trọng trách quốc tế trên cơ sở đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế… Là thành viên của nhiều cơ chế đa phương quan trọng, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, sẵn sàng làm cầu nối để giảm sự khác biệt, gia tăng hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền với phương châm “Tôn trọng và Hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”[1].

Cam kết của Việt Nam nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Với vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, thời gian tới, Việt Nam cam kết tiếp tục nỗ lực bảo đảm sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của mọi người dân Việt Nam, không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời, đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người với các ưu tiên sau:

Một là, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật để củng cố nền tảng thể chế, pháp lý và chính sách liên quan đến quyền con người, tăng cường nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người vào pháp luật Việt Nam.

Hai là, tăng cường các biện pháp, chính sách và nguồn lực nhằm đảm bảo tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị theo chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung về quyền con người.

Ba là, đảm bảo thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, chú trọng giảm bền vững nghèo đa chiều, giảm thiểu bất bình đẳng, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân và nâng cao chất lượng, khả năng tiếp cận dịch vụ, tăng cường an sinh xã hội, khả năng chống chịu trước thiên tai, dịch bệnh, nhất là đối với các nhóm dễ bị tổn thương.

Bốn là, tăng cường hơn nữa giáo dục về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của người và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó có việc triển khai Đề án đưa nội dung tuyên truyền quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân từ bậc mầm non đến đại học.

Năm là, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận, các cam kết và nghĩa vụ theo các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, nhất là thông qua việc xây dựng và triển khai hiệu quả các kế hoạch cấp quốc gia trong các lĩnh vực này. Tăng cường đối thoại và hợp tác thực chất với tất cả các nước, các cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người.

          Sáu là, đóng góp, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, sự khoan dung và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, các chủ thể khác nhau, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi.

          Bảy là, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào việc thúc đẩy các vấn đề trong chương trình nghị sự của Hội đồng Nhân quyền, nhất là các nội dung quyền của các nhóm dễ tổn thương, tác động của biến đổi khí hậu đối với thụ hưởng quyền con người, góp phần nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân quyền. Đóng góp tích cực vào tiến trình kiểm điểm Hội đồng Nhân quyền, nhất là việc cải tiến hiệu quả hoạt động của các cơ chế trực thuộc như cơ chế UPR, trong việc giải quyết các thách thức về quyền con người.

          Tám là, tăng cường tham gia và có đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN về quyền con người, đặc biệt, tại Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) và trong triển khai thưc hiện Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN.

       [1] Trích Toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc.


Tác giả: Xuân Dũng