Nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang có những diễn biến đáng lo ngại, hoạt động phạm tội tinh vi, xảo quyệt và ngày càng đa dạng về phương thức, thủ đoạn.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng (Ảnh minh hoạ)
Theo thống kê năm 2022, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 27 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó, lực lượng Công an các cấp đã điều tra, làm rõ 05 vụ, bắt giữ và xử lý 07 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản qua mạng, gây thiệt hại tương đối lớn về tài sản của người dân, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội.
Quá trình điều tra, lực lượng Công an xác định một số thủ đoạn phổ biến của các đối tượng như: Chiếm quyền (hack) tài khoản mạng xã hội hoặc lập tài khoản giả mạo để nhắn tin lừa vay mượn tiền; lập các trang web sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, tiền điện tử, kêu gọi đầu tư, sau đó can thiệp, đánh sập hệ thống, đánh “cháy” tài khoản người dùng; đăng thông tin về các hoàn cảnh khó khăn, vận động quyên góp…; thông báo trúng thưởng, được nhận quà khuyến mãi; giả danh nhà mạng, cơ quan pháp luật yêu cầu cấp thông tin, chuyển khoản; tuyển cộng tác viên, tuyển dụng lao động việc nhẹ lương cao; quảng cáo vay tiền qua ứng dụng (app) thủ tục đơn giản, có tiền ngay, không cần thế chấp, lãi suất linh hoạt…
Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn mới đó là giả danh nhân viên ngân hàng làm thủ tục cho vay trực tuyến để lừa đảo, cụ thể: Các đối tượng thành lập Công ty bình phong, tuyển dụng nhân viên và giao nhiệm vụ gọi điện, giả mạo nhân viên các ngân hàng, đưa ra thông tin gian dối về việc ngân hàng cho vay hạn mức từ 10 đến 100 triệu đồng với lãi suất 0% nhưng khách hàng phải đóng phí bảo hiểm từ 1,7 đến 3,9 triệu đồng (tùy vào số tiền vay). Sau khi “khách hàng” đồng ý và lựa chọn mức vay sẽ cung cấp thông tin để làm hợp đồng vay tiền, các đối tượng sử dụng dịch vụ chuyển phát để chuyển hợp đồng giả, thẻ ngân hàng giả cho nạn nhân, nhân viên chuyển phát sẽ thu hộ số tiền bảo hiểm tiền vay, sau đó, các đối tượng sẽ đến bưu cục chuyển phát để lấy và chiếm đoạt số tiền bảo hiểm, đồng thời, tiếp tục yêu cầu “người vay” chuyển tiền vào số tài sản do chúng chỉ định để lấy mã pin, mã OTP của tài khoản ngân hàng giả rồi chiếm đoạt.
Nạn nhân trong các vụ án này thường là những người đang có nhu cầu vay tiền, đã làm thủ tục vay tiền tại ngân hàng hoặc các ứng dụng vay trực tuyến nhưng không được xét duyệt vì nhiều lí do khác nhau như lịch sử tín dụng xấu, không có chỗ ở cố định, không có thu nhập ổn định… nên khi nhận được điện thoại tư vấn các gói vay đã nhanh chóng đồng ý và bị các đối tượng dẫn dụ.
Để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, đề nghị mỗi người dân cần phải tìm hiểu về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, nâng cao ý thức cảnh giác tự bảo vệ tài sản, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Giấy phép lái xe, Số tài khoản ngân hàng hoặc thực hiện giao dịch chuyển khoản… cho các tổ chức, cá nhân khi chưa biết rõ thông tin; cảnh giác với các cuộc gọi từ số máy lạ, số máy có đầu số nước ngoài, mạo danh các cơ quan pháp luật, ngân hàng… và những lời mời gọi tham gia đầu tư ngoại hối, chứng khoán, tiền ảo, cho vay, môi giới bán hàng, tham gia chương trình trúng thưởng trên không gian mạng; đồng thời, kịp thời cung cấp các thông tin, dấu hiệu hoạt động của tội phạm cho lực lượng chức năng khi có nghi vấn để làm cơ sở để điều tra, xử lý theo quy định.