A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân cần làm gì để không trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng

Trước thực trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, người dân cần làm gì để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này?.

C:\Users\Administrator\Desktop\bo-cong-an-khuyen-cao-cac-thu-doan-lua-dao-qua-dien-thoai.jpg

Giả mạo cán bộ của các cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh minh họa

Ngày 05/12/2020, Bộ Công an đã có khuyến cáo người dân về việc xuất hiện một phần mềm gián điệp được các đối tượng ngụy tạo, giả danh ứng dụng điện thoại (App) mang tên “Bộ Công an” để lừa đảo, trộm cắp tài sản, chiếm đoạt tài sản của người dùng điện thoại hệ điều hành Android. Đây chỉ là một trong những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng qua không gian mạng. Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, những phương thức, thủ đoạn các đối tượng lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gồm:

(1) Sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của các cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân gây sức ép, khiến họ hoang mang, từ đó phải chuyển một số tiền lớn vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để “phục vụ điều tra” hoặc các yêu cầu tố tụng khác. Đây là thủ đoạn được các đối tượng sử dụng rất phổ biến thời gian qua và nhiều người đã trở thành nạn nhân với số tiền bị lừa không hề nhỏ. Gần đây, sau khi cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và đấu tranh quyết liệt với tội phạm này, các đối tượng đã chuyển qua hình thức mạo danh cán bộ ngân hàng, nhân viên bưu điện thông báo về tài khoản ngân hàng bị lỗi, nợ cước điện thoại để yêu cầu người dân cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để phối hợp giải quyết các sự cố và từ đó chiếm đoạt tài sản.

(2) Lừa đảo qua mạng xã hội: Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị… và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền; hoặc gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber… thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng.

(3) Tấn công mạng để chiếm đoạt thông tin, tài khoản: Tấn công hộp thư điện tử, thay đổi nội dung các thư điện tử, nội dung các giao dịch, hợp đồng thương mại để chiếm đoạt tài sản; hoặc giả mạo các trang thông tin điện tử, các dịch vụ trực tuyến để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng và rút tiền.

(4) Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử như: Các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online, order hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng thường khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại.

(5) Thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản), tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch để chiếm đoạt tiền đầu tư. Hiện thủ đoạn này đang được sử dụng khá phổ biến, nhiều sàn giao dịch ảo đã bị các cơ quan chức năng “vạch trần” bản chất lừa đảo, kêu gọi thu hút đầu tư với “lãi suất cao” nhưng thực chất khoản tiền đầu tư của người đến sau được dùng để trả cho các khoản hứa hẹn về lợi nhuận đặc biệt cho các nhà đầu tư trước đó. Chu kỳ này diễn ra liên tục cho đến khi không có người tham gia nữa thì nó sụp đổ và kẻ lừa đảo biến mất với tiền của người đầu tư. Forex, MyAladdinz… là những mô hình đầu tư lừa đảo gắn mác công nghệ siêu lợi nhuận nổi lên thời gian qua.

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, năm 2020, phát hiện khoảng 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng; trong đó có 776 vụ việc lừa đảo qua mạng viễn thông bằng thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, bưu điện…, đe dọa, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển tiền. Riêng đơn vị này đã tiến hành xác minh, điều tra 18 vụ; khởi tố 5 vụ án và 27 bị can; đang tiếp tục xác minh hơn 10 vụ.

Để chủ động phòng tránh hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, theo cơ quan chức năng, khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet… cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.

Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, thư điện tử, tài khoản ngân hàng. Thường xuyên thay đổi và đảm bảo độ an toàn của mật khẩu (kết hợp chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt). Thận trọng khi nhận sử dụng thư điện tử. Không nhấn vào các đường link, các liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử không chắc chắn nguồn gửi đến. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm/ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy.

Thực hiện các biện pháp để bảo vệ thiết bị cá nhân kết nối, truy cập các dịch vụ trên không gian mạng bằng các công cụ bảo mật, phần mềm diệt virus mạnh. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet kéo theo những hệ lụy mặt trái là không thể tránh khỏi. Hãy là những người dùng thông thái để không trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Khánh Vi