A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người, cố ý gây thương tích đang có xu hướng “trẻ hoá”

Thời gian qua, số thanh thiếu niên thực hiện hành vi “Giết người” và “Cố ý gây thương tích” đang có xu hướng tăng về số lượng và nghiêm trọng về hành vi. Đây là vấn đề đáng quan ngại bởi lẽ tội phạm vị thành niên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cá nhân người phạm tội, làm đảo lộn cuộc sống không ít gia đình mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Vi phạm pháp luật ở độ tuổi thanh, thiếu niên không phải là hiện tượng mới, nhưng một số vụ việc mang tính chất nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây đã và đang là hồi chuông báo động đối với các bậc phụ huynh trong việc quản lý con em mình. Một số đối tượng còn đang độ tuổi vị thành niên nhưng do thiếu sự quan tâm, quản lý của gia đình nên sớm kết bè phái, băng nhóm và gây án để thể hiện mình. 

Gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Kon Tum đã ra Quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam đối với nhiều đối tượng đang trong lứa tuổi thanh thiếu niên thực hiện hành vi “Giết người”, “Cố ý gây thương tích”. Điển hình:

- Khoảng 23h00 ngày 14/5/2024, Nguyễn H.V (sinh năm 2008, trú tại tổ 1, P. Trần Hưng Đạo, TP. Kon Tum) cùng một nhóm bạn lứa tuổi thanh thiếu niên tập trung trước nhà chơi. Qua cuộc nói chuyện, 1 người trong nhóm bạn của H.V rủ cả nhóm đi đánh nhau với 1 nhóm đã hẹn trước, sau đó cả nhóm đồng ý và cùng nhau lấy hung khí đi đến điểm hẹn tại ngã ba thôn 1, xã Hoà Bình, TP. Kon Tum. Phát hiện thấy 7 đến 8 xe mô tô nên cả nhóm nghĩ là nhóm đã hẹn nên rượt đuổi, đến đoạn P. Lê Lợi, TP. Kon Tum thì chặn được 1 xe có 1 nữ chở 1 nam ngồi phía sau, H.V cùng bạn lao vào dùng chân đá liên tục và dùng dao quắm dài khoảng 60cm (hung khí nguy hiểm) chém nhiều nhát hướng từ trên xuống vào đầu và vai nam thanh niên (Lê N.T, sinh năm 2008, trú tại P. Quyết Thắng, TP. Kon Tum), trong lúc nam thanh niên ngồi bệt, hai tay ôm mặt cúi xuống đất. Khi người đi đường phát hiện và ngăn cản, cả đám ném hung khí rồi bỏ về. Trước đó, Lê N.T không có mâu thuẫn gì với nhóm của Nguyễn H.V.

Những thanh thiếu niên vi phạm trong vụ án trên

- Khoảng 19h00 ngày 06/4/2024, Huỳnh T.Đ (sinh năm 1995, trú tại P. Quang Trung, TP. Kon Tum) đang ở nhà thì có 1 đối tượng tên Dồ (không rõ tên tuổi) gọi điện và rủ xuống cà phê ở bờ kè sông Đăk Blà, TP Kon Tum để nói chuyện. Sau đó, Huỳnh T.Đ cùng Lê P.T.T (sinh năm 2002, trú tại P. Quang Trung, TP. Kon Tum) đi đến điểm hẹn thì gặp Nguyễn X.B (sinh năm 2003, trú tại P. Quyết Thắng, TP. Kon Tum). Bản thân Huỳnh T.Đ và Nguyễn X.B đã có mâu thuẫn về chuyện làm ăn ngoài xã hội trước đó nên xảy ra xung đột, khi bị Nguyễn X.B rượt đuổi Huỳnh T.Đ cùng bạn bỏ chạy về phòng trọ lấy 01 con dao dài khoảng 60cm bọc trong tay áo, sau đó rủ thêm 02 đối tượng (bạn của Huỳnh T.Đ) trong đó có 1 đối tượng cầm 01 con dao dài khoảng 80cm, cùng đi tìm Nguyễn X.B để đánh lại. Khi đến ngã ba hẻm Lê Hồng Phong, TP. Kon Tum cả nhóm thấy Nguyễn X.B đang đứng và cầm trên tay 01 con dao dài khoảng 25cm, Huỳnh T.Đ cùng bạn nhảy xuống xe cầm dao xông lại chém liên tiếp vào người Nguyễn X.B, sau đó Cha của Nguyễn X.B phát hiện chạy tới thì cả nhóm bỏ chạy. Đến thời điểm giám định, tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của Nguyễn X.B là 43%.

Đối tượng Huỳnh T.Đ và Lê P.T.T tại cơ quan Công an

Qua những vụ việc nêu trên có thể thấy, hành vi của những đối tượng có tính chất và mức độ nguy hiểm rất lớn cho xã hội; tình trạng đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng trên địa thành phố đa số nằm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, các đối tượng rất manh động, coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người khác.

Tội phạm ngày càng “trẻ hóa” không chỉ là nỗi đau của gia đình có con em phạm tội, nó còn gây ra những hệ lụy to lớn cho xã hội, đánh mất tương lai, tuổi trẻ của mỗi cá nhân chỉ vì những bồng bột, sai lầm chốc lát. Chưa kể, khi loại tội phạm này gia tăng, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, sẽ lôi kéo thêm nhiều người trẻ phạm tội khác.

Vậy, đâu là nguyên nhân? Qua điều tra nhận thấy các hành vi côn đồ bạo lực xảy ra chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân:

- Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số bộ phận thanh thiếu niên còn hạn chế, không tự chủ về hành vi, dễ bị lôi kéo, kích động, có những hành vi bồng bột, nóng nảy, thiếu kiềm chế.

- Phần lớn là do lười học tập, lười lao động, nhưng lại đua đòi, thích hưởng thụ. Trong số đó, không ít trường hợp do cha mẹ thiếu quan tâm, hoặc quá nuông chiều, thiếu sự quản lý, giáo dục. Các em có xu hướng tìm những đối tượng cùng hoàn cảnh để tụ tập, hoặc bị đối tượng xấu, nắm bắt hoàn cảnh, tiếp cận, hòng lôi kéo, rủ rê. Đáng lo ngại, tình trạng thanh thiếu niên bỏ học, bỏ nhà, tụ tập băng nhóm, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có chiều hướng tăng lên.

 - Trong lứa tuổi thanh thiếu niên có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, đang trong độ tuổi dậy thì, thích được khẳng định mình, thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý thường có những bất ổn, nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, dễ thực hiện những hành vi mang tính bộc phát, cha mẹ chưa nắm bắt, giáo dục tâm sinh lý kịp thời.  

- Đáng chú ý, trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay, nhiều khi các em bị thế giới ảo, mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok…Game bạo lực chi phối, dẫn tới mất phương hướng, lệch lạc trong suy nghĩ, lối sống.

- Do mâu thuẫn trong sinh hoạt, xung đột cá nhân.Tình trạng dùng rượu, bia, chất kích làm phát sinh mâu thuẫn, xích mích dẫn đến phạm tội…

Theo đồng chí Trung tá Đào Nguyễn Thanh Sơn – Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Kon Tum cho biết: “Tuổi trẻ có cả một tương lai rất dài phía trước. Một phút giây nông nổi, bồng bột có thể phải trả giá bằng nhiều năm tù giam, thậm chí là tử hình. Người phạm tội giết người và cố ý gây thương tích sẽ bị pháp luật trừng phạt rất nghiêm khắc. Vì vậy, thanh thiếu niên cần phải chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; phải thấy được trách nhiệm của mình không chỉ đối với việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính bản thân mình mà còn bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người khác để có cách hành xử đúng mực. Bên cạnh đó, để phòng ngừa tội phạm này ở lứa tuổi vị thành niên, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục, định hướng nhận thức đúng đắn và hành vi phù hợp cho các em”.

Từ ngày 01/7/2024 vừa qua, Công an các xã, phường trên địa bàn thành phố Kon Tum đã đồng loạt tổ chức ra mắt 154 Tổ bảo vệ ANTT tại cơ sở với 526 thành viên, là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an. Với tinh thần quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi các loại tội phạm. Hằng tuần, Công an thành phố Kon Tum tổ chức tuần tra, kiểm soát ban đêm tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là những địa bàn thường xuyên vi phạm pháp luật.

Các đội nghiệp vụ Công an thành phố, Công an xã, phường, các tổ bảo vệ ANTT ở cở sở tổ chức tuần tra, kiểm soát ban đêm

Để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi phạm tội nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Công an thành phố Kon Tum đề nghị:

1. Trong gia đình thường xuyên quan tâm, quản lý, giáo dục con em, đặc biệt chú ý đến các mối quan hệ ngoài xã hội của con em mình để kịp thời uốn nắn, giáo dục, nhất là những thanh thiếu niên có biểu hiện hư hỏng, thường xuyên ăn chơi không quan tâm đến việc học tập, rèn luyện.

2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đúng pháp luật, phát hiện, giải quyết triệt để các mâu thuẫn ngay tại cơ sở. Các nhà trường cùng với việc giáo dục kiến thức, cần tăng thời lượng, chất lượng đào tạo kỹ năng sống; phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp các em trong độ tuổi vị thành niên hiểu rõ hơn về thủ đoạn phạm tội, nguyên nhân phát sinh tội phạm, từ đó xây dựng cho mình ý thức phòng ngừa cũng như hình thành các kỹ năng cần thiết để biết cách phòng, chống tội phạm. 

3. Các bậc cha mẹ, thầy giáo, cô giáo phải tăng cường quản lý, giáo dục con em, học sinh, không để thanh thiếu niên, học sinh chịu ảnh hưởng xấu từ các trò chơi bạo lực, lối ứng xử bạo lực, dễ dẫn đến có các hành vi côn đồ, bạo lực.

4. Đề nghị toàn thể nhân dân trong quá trình sinh hoạt, giao tiếp phải giữ vững truyền thống văn hóa, tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt không uống rượu, bia say, không để có hành vi côn đồ, bạo lực dẫn đến vi phạm pháp luật.   

5. Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp nên giữ bình tĩnh, tìm hướng giải quyết, tuyệt đối không sử dụng bạo lực. Trường hợp không giải quyết được thì trình báo ngay cho cơ quan Công an hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ giải quyết.

6. Đối với các hộ gia đình có người bị bệnh tâm thần, loạn thần cần phối hợp với chính quyền địa phương giám sát và quản lý chặt chẽ. Đối với các trường hợp bệnh nặng, có các dấu hiệu gây thương tích cho người khác cần báo ngay cho Chính quyền địa phương hoặc Cơ quan Công an địa phương để có biện pháp quản lý chặt chẽ, kịp thời.

Khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn như đối tượng chuẩn bị vũ khí, dao, kiếm, mã tấu, gậy gộc, tụ tập đánh nhau, các hành vi côn đồ, bạo lực, cố ý gây thương tích hãy báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ với Công an thành phố Kon Tum qua số máy trực ban hình sự 02603.862.307 để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.


Tác giả: Anh Thư