Sự thật về cuộc gọi "Flash AI" và thủ đoạn "lấy sạch tiền" trong tài khoản
Trong khoản thời gian gần đây, trên mạng xã hội ở Việt Nam xuất hiện nhiều thông tin về đầu số lạ, hiển thị tên Flash AI, chiếm đoạt tài sản người dân bằng công nghệ cao. Tuy nhiên, đây là thông tin không đúng sự thật. Nhiều người lợi dụng tâm lý sợ bị lừa đảo của cộng đồng để lan truyền tin tức giả, gây hoang mang.
“Số này gọi đến, ta chỉ cần bấm nhận cuộc gọi là mất hết tiền trong tài khoản vì nó dùng trí tuệ nhân tạo, có khả năng lục tìm mọi bí mật trong điện thoại. AI tập trung tìm trong ứng dụng ngân hàng, lấy mật khẩu để chuyển hết tiền của ta qua tài khoản bọn hacker. Xin vui lòng cảnh báo người thân, đợi nó tắt chuông rồi chặn số luôn”, tài khoản P.M.Tuấn đăng bài lên trang Facebook cá nhân
TikTok cũng là một kênh khác, khiến các tin tức được lan truyền nhanh chóng. Kênh @thuan***** đăng nhiều video ngắn về chủ đề này trong những ngày gần đây. Trong đó, có những nội dung đạt hơn 500.000 lượt xem, cùng 1.600 bình luận. “Cái ‘Flash AI’ cực kỳ nguy hiểm, các bạn có thể mất hết tài sản tích góp cả đời đó”, chủ kênh TikTok nói.
Một phiên bản khác của tin đồn này là nếu bấm gọi lại số thuê bao Flash AI, toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ bị chiếm đoạt.
Tuy nhiên, người đăng tải, chia sẻ những video nói trên đều không có bằng chứng cụ thể về việc bị mất tiền do cuộc gọi. Có một điều mà người dân lầm tưởng rằng chỉ cần bắt máy những cuộc gọi mà không có thao tác gì khác thì sẽ bị trừ tiền và mất thông tin cá nhân. Điều này là không chính xác, thông tin về Flash AI được phát tán chủ yếu để câu tương tác trên mạng xã hội.
Thực hư về lời đồn chỉ cần bấm nghe là mất tiền
Để biết chính xác cuộc gọi Flash AI có phải lừa đảo người dùng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Vì đây là brand không xác thực nên rất khó để tìm được thông tin chính xác. Dưới đây là một số trường hợp có dấu hiệu lừa đảo từ Flash AI mà người dân cần nắm để không gặp phải:
- Gọi điện nhiều lần trong ngày với thời gian hiển thị cuộc gọi rất ngắn.
- Thông báo nhận được giải thưởng và yêu cầu nạp lệ phí để nhận thường.
- Điện thoại và yêu cầu người dân cung cấp thông tin chính chủ để xác thực thông tin đăng ký sim.
- Yêu cầu cung cấp OTP để thực hiện các giao dịch.
Tuy nhiên có một số trường hợp các cuộc gọi từ Flash AI không phải lừa đảo, gọi điện thoại nhằm mời chào, quảng cáo các dịch vụ sản phầm, cụ thể:
- Tư vấn các khóa học tiếng anh cho mọi độ tuổi.
- Giới thiệu bất động sản.
- Tư vấn người dùng trải nghiệm các dịch vụ với ưu đãi hấp dẫn.
- Hỗ trợ vay vốn với hình thức trả góp 0%.
Thông thường người dân chỉ bị mất tiền qua cuộc gọi điện thoại nếu như:
- Thực hiện thao tác theo hướng dẫn của cuộc gọi. Ví dụ bấm phím 1, phím 2 thì có thể sẽ bị mất tiền cước viễn thông vì các con số ấn định các dịch vụ viễn thông đi kèm.
- Bị người gọi dẫn dụ truy cập vào đường link lừa đảo, hoặc tải file có nguy cơ mã độc đánh cắp thông tin.
- Bị dẫn dụ đầu tư tài chính hoặc thực hiện lệnh chuyển tiền theo hướng dẫn của cuộc gọi.
- Bị mời gọi, cung cấp thông tin cá nhân trước, sau đó tội phạm mới lợi dụng thông tin đó để thực hiện tiếp các cuộc gọi đe doạ khác.
Cách phòng tránh chiêu trò lừa đảo qua số điện thoại Flash AI
Trên thực tế, vẫn có hình thức tấn công qua số điện thoại, lợi dụng lổ hổng hệ thống hoặc bảo mật chip để cài phần mềm gián điệp. Tuy nhiên, nó sẽ không thể thực hiện cuộc gọi qua mạng di động. Đồng thời, giải pháp đó yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp để có thể thực hiện thành công. Do đó người dân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng nên có bộ lọc để xác minh thông tin được lan truyền, đặc biệt là các chia sẻ về lừa đảo. Nhằm phòng tránh có hiệu quả các chiêu trò của các đối tượng tôi phạm công nghệ cao, người dân nên lưu ý một số điều sau:
Không cung cấp các thông tin cá nhân khi số điện thoại Flash AI gọi đến
Thông tin cá nhân hiểu đơn giản là họ tên, tuổi, hình ảnh, ngày tháng năm sinh, thói quen, nơi ở, số điện thoại, địa chỉ email, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, công việc, tài khoản ngân hàng..., là tất cả những thông tin gắn liền với một cá nhân nào đó... Người dân không nên xem nhẹ những thông tin này vì chính là những cơ hội để cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Thực tế, việc lộ thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại di động, tên tài khoản trên các mạng xã hội Facebook, Instagram… khiến người dân gặp nhiều rắc rối, phiền toái vì tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo…. Ví dụ, khi tham gia vào mạng xã hội như Facebook, Instagram, đặt vé xe, máy bay,... người dân thường được yêu cầu cung cấp thêm số điện thoại, email. Tuy nhiên, người dân đôi khi lại sơ ý để công khai các thông tin cá nhân như số điện thoại trên mạng xã hội, hoặc lựa chọn những sử dụng dịch vụ của những bên trung gian không uy tín, có chính sách bảo mật thông tin không tốt. Điều này lí giải cho việc người dân liên tục nhận được các tin nhắn, cuộc gọi bất chợt mời chào vay tiền, mua nhà, tham gia các khóa học....
Chính vì vậy mà người nên cẩn thận và tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân của mình cho bất cứ ai vì cung cấp hoặc để lộ thông tin cá nhân là một trong những điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Do đó, mỗi cá nhân cần ý thức bảo mật thông tin liên quan đến bản thân và người thân của mình, đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng ngừa kẻ xấu lợi dụng sơ hở để khai thác thông tin cá nhân của người dân nhằm thực hiện các hành vi phạm pháp. Bên cạnh đó, người dân hãy thường xuyên cập nhật những kiến thức về các phương thức lừa đảo để có thể bảo vệ tài sản cá nhân.
Không cung cấp thông tin cá nhân cho người khác
Tuyệt đối không làm theo các yêu cầu lạ
Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum nhận định thuê bao di động có thể là chìa khóa để vào các tài khoản quan trọng nhất của người dân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không làm theo các cú pháp do người khác yêu cầu khi chưa tìm hiểu, tra cứu thông tin kỹ càng. Để bảo vệ tài sản của chính mình, người dân không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử cho bất kỳ ai bên ngoài ứng dụng. Người dân không bấm vào đường link lạ để nhập mật khẩu và mã xác thực (OTP); đồng thời luôn tra cứu, tìm hiểu thông tin để nắm chắc mục đích, ý nghĩa của các cú pháp tin nhắn trước khi thực hiện.
Không nhấn vào các đường link lạ
Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, đề nghị báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ qua fanpage An Ninh Mạng Và Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao Tỉnh Kon Tum (https://www.facebook.com/anninhmangkontum) để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Trung Đức