A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu

Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu có nhiều diễn biến khá phức tạp, nhất là hoạt động sản xuất rượu thủ công, sản xuất, kinh doanh men rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, do đó, việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực này thực sự cấp thiết và phải được thực hiện thường xuyên.

Ảnh minh hoạ

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Kon Tum hiện có khoảng hơn 3.000 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, nấu rượu thủ công, trong đó, số cơ sở đã được kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ khá cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, nhất là ở địa bàn nông thôn; tuy nhiên, lĩnh vực này cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cao nếu các cơ sở sản xuất, hộ gia đình không chấp hành tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc nói chung và ngộ độc rượu nói riêng, đảm bảo sức khỏe của Nhân dân, góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, trong đó có công tác đảm bảo an toàn thực  phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại rượu.

Kịp thời nhận diện, dự báo tình hình và phối hợp với các đơn vị chức năng, chỉ đạo Công an cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu; cảnh báo để người dân không mua, sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm; nguy cơ và hậu quả của việc sử dụng cồn công nghiệp, phòng ngừa ngộ độc Methanol. Đồng thời, hướng dẫn các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất rượu thủ công đảm bảo các tiêu chí an toàn, tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.

Chủ động triển khai các biện pháp công tác, nắm chắc tình hình, tổ chức quản lý chặt chẽ, tiến hành kiểm tra và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng chất, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng để pha chế rượu, đặc biệt là xử lý nghiêm các cơ sở dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu, nguy cơ gây ngộ độc.

Sử dụng rượu đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ của bạn (ảnh nguồn: Internet)

Đối với các vụ việc ngộ độc thực phẩm khi phát hiện có dấu hiệu hình sự, lực lượng Công an sẽ khẩn trương tiến hành điều tra, làm rõ, kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung. Đồng thời, qua công tác điều tra, xử lý các vụ việc ngộ độc thực phẩm, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm, từ đó có hướng xử lý phù hợp.

 


Tác giả: Đức Thiện