A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bi kịch xuất phát từ vấn nạn bạo lực gia đình

Những năm gần đây, đã có nhiều vụ án sát hại người thân trong gia đình mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn kéo dài trong tranh chấp đất đai, tài sản, ghen tuông, bạo lực gia đình hoặc xích mích trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều vụ án dù chỉ xuất phát từ những va chạm nhỏ ban đầu, nhưng vì không được giải quyết kịp thời, triệt để đã dẫn đến những hậu quả rất đau lòng.

Mới đây, vào ngày 30/8/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã tuyên phạt Chu Minh Thuận, sinh năm 2003, trú tại khối 1, thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum 18 năm tù về tội “Giết người”. Vụ án này, một phần nguyên nhân xuất phát từ những uất ức dồn nén nhiều năm bị bạo lực gia đình của đối tượng Chu Minh Thuận với bị hại là ông Chu Trọng Thuần (cũng chính là bố đẻ của Thuận).

Bị cáo Chu Minh Thuận tại toà

Trước khi vụ việc xảy ra, ông Chu Trọng Thuần thường xuyên uống rượu say và chửi mắng, đánh vợ con. Trong hoàn cảnh như vậy, Thuận luôn có cái nhìn không tốt về bố mình, đỉnh điểm vào khoảng 20 giờ tối ngày 05/11/2021 sau khi Thuận đi từ bên ngoài về nhà thì thấy cha đẻ là ông Chu Trọng Thuần đang ngồi uống rượu một mình ở phòng khách nên Thuận nói “Bố đừng uống rượu nữa, làm sao giống một người cha để con cái noi theo”, ông Thuần nghe vậy liền lấy cái cờ lê quay ra dọa đánh và mắng chửi Thuận, sau đó lấy cây sắt đánh nhiều lần vào người con mình, Thuận đã dùng dao đâm vào mạn sườn phía bên trái của ông Thuần. Sau khi bị đâm, ông Thuần bỏ chạy qua nhà hàng xóm và nhờ đưa đi cấp cứu nhưng tử vong sau đó do mất máu cấp, vết thương thấu tim.

  Ngồi ở ghế người bị hại tại phiên toà, chị Trần Thị Thanh, mẹ của bị cáo Thuận, người phụ nữ ngoài 40 tuổi không giấu nổi những giọt nước mắt, với vẻ mặt buồn bã của người vợ vừa mất chồng, con thì phải vào tù mà không ai tại phiên toà không xót xa cho hoàn cảnh của chị.

Chị Trần Thị Thanh với vẻ mặt đượm buồn tại phiên toà xét xử con trai mình

Gia đình là xã hội thu nhỏ, ở đó thể hiện trực tiếp mối quan hệ về quyền và trách nhiệm của từng cá nhân. Từ góc độ văn hóa, bạo lực gia đình xuất phát từ biến đổi lệch lạc về nhận thức, lối sống cũng như những chuẩn mực hành vi đạo đức về bổn phận, trách nhiệm. Thế nhưng nhiều gia đình và kể cả một số địa phương còn xem nhẹ vấn đề giáo dục trong gia đình, mâu thuẫn giữa những thành viên trong gia đình.

Khi những mâu thuẫn, hiểu lầm, sai trái không được giải quyết đến nơi đến chốn sẽ trở thành nỗi ám ảnh đối với người trong cuộc. Đến một lúc nào đó, giọt nước tràn ly, sẽ sinh ra tội ác. Khi đó, sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình sẽ đứt gãy, gia đình tan nát, kéo theo đó là tác động tiêu cực đến những người xung quanh và gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội.

Để ngăn ngừa các mâu thuẫn kéo dài trong nội bộ nhân dân, những mâu thuẫn có thể dẫn đến án mạng gia đình đau lòng, lực lượng cảnh sát khu vực, tổ dân phố, tổ hoà giải, các tổ chức đoàn thể địa phương và hàng xóm, láng giềng cần chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư, các hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình để kịp thời hòa giải mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, không để tích tụ kéo dài, thậm chí có thể trấn áp với những hành vi đe dọa nguy hiểm đến tính mạng.


Tác giả: Văn Lai