A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh cơ quan Công an để lừa đào, chiếm đoạt tài sản

Thời gian vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ việc người dân bị các đối tượng mạo danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Một số phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng là: Sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để gọi điện cho người dân nhằm gây sức ép, làm người dân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này hoặc cung cấp thông tin đăng nhập vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.

Điển hình như, ngày 23/8/2021, bà N.T.L (59 tuổi, trú tại huyện Sa Thầy) nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ với đầu số 808. Khi nghe máy, bà L được đầu dây bên kia thông báo bà có liên quan đến một vụ vi phạm an toàn giao thông và yêu cầu nhấn phím 9 để được thông tin cụ thể vụ việc.

Làm theo hướng dẫn, bà L được kết nối với một người đàn ông tự xưng là Trung úy Nguyễn Thành Nam, Công an thành phố Hà Nội. Người này thông báo rằng, Công an thành phố Hà Nội đang điều tra bà L vì có liên quan đến 1 vụ tai nạn giao thông gây chết người trên địa bàn thành phố Hà Nội rồi bỏ trốn. Sau đó ít phút, vị đại tá tự xưng tiếp tục gọi điện lại cho bà L. Người này cho biết đang điều tra về việc bà L liên quan đến vụ buôn bán ma túy có số tiền gần 7 tỷ đồng. Bà L tiếp tục phủ nhận các cáo buộc trên. Sau đó người này cho biết nếu bà L muốn chứng minh mình trong sạch thì phải gửi tất cả số tiền đang sở hữu vào số tài khoản của vị “đại tá” kia để tạm giữ, sau này điều tra xong sẽ hoàn trả lại. Đồng thời, người này cũng cho biết vì vụ việc đang trong quá trình điều tra nên yêu cầu bà L phải tuyệt đối giữ bí mật ngay cả với chồng, con và gia đình.

Vì quá lo lắng và muốn minh oan cho mình, bà L liền bán vàng, rút tiền trong thẻ tiết kiệm rồi gửi vào 2 số tài khoản của vị đại tá tự xưng. Bà L đã 5 lần gửi vào 2 số tài khoản trên với tổng số tiền lên đến 292 triệu đồng. Sau khi đã chuyển hết số tiền đang có, bà L liên hệ lại với các số điện thoại trên thì không thể liên lạc được.

Mới đây nhất, sáng 30/3/2022, chị Q (SN 1990, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận được cuộc gọi của một phụ nữ, giới thiệu là nhân viên bưu điện và thông báo chị có một bưu phẩm của ngân hàng chi nhánh Đà Nẵng ghi khoản nợ là 40 triệu đồng. Người phụ nữ yêu cầu chị Q phải thanh toán khoản nợ nếu không sẽ báo cơ quan Công an.

Sau đó, một nam giới gọi điện cho chị Q xưng là Đội trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng. Người này nói chị Q bị lộ thông tin cá nhân và liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy rồi yêu cầu chị Q đến Công an TP Đà Nẵng làm việc. Do chị Q nói không đến được Đà Nẵng nên “Đội trưởng Phòng Cảnh sát hình sự” yêu cầu chị tải App “Thay đổi bảo mật” rồi đăng nhập tài khoản ngân hàng để xác minh. Thực hiện theo hướng dẫn trên, chị Q tá hỏa phát hiện tài khoản của mình bị mất 300 triệu đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Để phòng tránh, không bị “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định hoặc đăng nhập tài khoản ngân hàng trên các ứng dụng “lạ”. Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.

Hoàng Phúc