A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo ma túy “núp bóng” thực phẩm chức năng, đồ uống

Hiện nay, tội phạm về ma túy rất thủ đoạn và tinh vi, mua bán ma túy trá hình (pha trộn ma túy với các loại thực phẩm, đồ uống...) hòng tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Điển hình như, cuối tháng 10-2021, trong buổi lễ chào cờ đầu tuần tại Trường THPT Hoành Bồ, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), một bạn học sinh lớp 10 đã mang một thanh kẹo lạ giống kẹo dẻo ra mời 13 bạn khác cùng ăn. Sau khi ăn, một số cháu có biểu hiện ngộ độc, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay. Khi nhóm học sinh này được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, kết quả test nhanh nước tiểu phát hiện 6 cháu dương tính với một loại chất có trong cây cần sa. Công an TP Hạ Long xác định, thứ giống kẹo dẻo mà các học sinh ăn phải là một loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ Mỹ, được chiết xuất từ cây cần sa và chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ...

Ngoài ra, còn rất nhiều vụ ma túy “núp bóng” đồ uống, thức ăn khác như: Vụ bán bánh cần sa trên mạng internet xảy ra trên địa bàn Hà Nội đã được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, triệt xóa tháng 12/2019; vụ bán nước xoài có chứa chất ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 10/2020... Mới đây tháng 6/2022, tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, cơ quan chức năng phát hiện vụ bán socola có chứa chất ma túy.

Loại ma túy mới núp bóng thực phẩm chức năng và đồ uống (nguồn: cand.com.vn)

Không chỉ “núp bóng” trong đồ uống, thức ăn, mà ma túy còn được ngụy trang tinh vi trong các loại thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan nhà nước, loại này ở một số nước trên thế giới không cấm và cho phép sản xuất với hàm lượng quy định, ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng. Các loại ma túy này bị tuồn vào Việt Nam, phát tán và sử dụng dẫn đến ngộ độc như ở Hạ Long, Quảng Ninh. Đối tượng mang từ siêu thị ở Mỹ về cho người nhà sử dụng nhưng không nói, người dùng có thể bị nhầm lẫn, dùng quá liều gây nguy hiểm.

Người sử dụng các loại ma túy trên đa phần là giới trẻ - lứa tuổi chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống của các em còn nhiều hạn chế, khả năng tự kiềm chế chưa cao, dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào những hoạt động phiêu lưu và mạo hiểm. Nhiều bạn trẻ chưa hiểu biết chính xác về tác hại của các loại “ma túy” trên nên tưởng vô hại, “chơi” là không gây nghiện, nhưng khi đã sử dụng rồi thành quen và nghiện lúc nào không hay.

Do đó, để ngăn chặn loại tội phạm này, thời gian tới các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như:

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện các loại hàng hóa nhập khẩu, hàng không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam dưới dạng “hàng xách tay”, kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển các chất ma túy, chất hướng thần, tiền chất và các sản phẩm có thành phần chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa có thành phần chất ma túy. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động quảng bá, mua bán trái phép chất ma túy, chất hướng thần, tiền chất và các sản phẩm có thành phần chất ma túy trên mạng Internet.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách pháp luật của Nhà nước, tác hại của ma túy và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy, cách nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn.

Thường xuyên câp nhật, theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm về ma túy núp dưới bóng các loại thực phẩm, đồ uống để tuyên truyền tới toàn thể nhân dân và kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm...


Tác giả: Hoàng Phúc