A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác thủ đoạn giả danh các cơ quan chức năng gọi điện yêu cầu chuyển tiền

Gần đây, trên cả nước thường xuyên xuất hiện tình trạng các đối tượng dùng dịch vụ giả mạo số điện thoại của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hay Tòa án, gọi điện tự xưng cán bộ Công an, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cung cấp.

Theo đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra, xử lý và dặn rằng; “Vụ án trong quá trình điều tra nên phải giữ bí mật, không được nói cho ai biết”. Khi người dân lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản, thì chúng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác để chiếm đoạt với số tiền từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.

Điển hình như trường hợp bà P.T.T (55 tuổi, ở quận 10, TPHCM) nhận được cuộc gọi số lạ của một người đàn ông tự xưng là Nguyễn Văn Dũng, công tác tại Công an TP.Hà Nội. Người đàn ông tên Dũng thông báo việc bà T liên quan đến một đường dây ma túy. Người này nói bà đang bị điều tra và công an sẽ niêm phong tài khoản của bà. Đồng thời, yêu cầu bà chuyển 1,3 tỷ đồng vào số tài khoản chỉ định mang tên Đào Xuân Sang. Do lo sợ, bà T đã đến phòng giao dịch một ngân hàng ở quận 10 để chuyển gần 1,3 tỷ đồng vào tài khoản tên Đào Xuân Sang và bị chiếm đoạt.

Hay gần đây nhất, trường hợp anh T.M.N. (34 tuổi, ngụ quận 3) dù chưa từng chạy ôtô nhưng vẫn nhận được cuộc gọi xưng “là cán bộ Cảnh sát giao thông TP.HCM” và thông báo ôtô của anh vi phạm lỗi đi vào đường cấm và bị camera ghi lại, đề nghị bấm phím 9 để biết thêm chi tiết.

Trước các thủ đoạn trên, cơ quan Công an đề nghị người dân phải hết sức cảnh giác, thận trọng, bình tĩnh, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại khi có các yêu cầu trên. Đồng thời, yêu cầu những người tự xưng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ đến Công an địa phương nơi mình cư trú; tuyệt đối không làm theo hướng dẫn như bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại, không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai; tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào; báo cho người nhà biết và thông báo cho cơ quan Công án gần nhất để xử lý. Khi làm việc với người có liên quan, lực lượng Công an, Viện Kiểm sát hay Tòa án sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập và làm việc trực tiếp tại trụ sở, không làm việc qua mạng hay điện thoại.

Ngoài ra, để kiểm tra phạt nguội ngay tại nhà, người dân có thể mở trình duyệt trên điện thoại hoặc máy tính và truy cập vào địa chỉ http://www.csgt.vn/ ở góc phải sẽ có mục Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh. Việc tra cứu phạt nguội này sẽ giúp người dân nắm được chính xác thông tin mình có vi phạm lỗi giao thông nào không; và ngăn ngừa được tình trạng giả danh cơ quan chức năng lừa đảo tiền của người dân.


Tác giả: Hoàng Phúc