Vỡ mộng vì "combo du lịch giá rẻ"
Tháng 6 đến tháng 8 hàng năm là thời điểm thị trường du lịch sôi động hơn bao giờ hết. Do đó thời điểm này là lúc vé máy bay và phòng khách sạn đã đắt trở lại do du lịch đã vào mùa, nhất là bay giờ đẹp và hay dịp cuối tuần. So với các thời điểm khác, giá thường rất cao và hiếm khi xuất hiện những vé giá rẻ. Xuất phát từ nhu cầu tăng cao đó, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng để lừa đảo thông qua các gói "combo du lịch giá rẻ”.
Nhan nhản lời mời gọi combo du lịch giá rẻ trên mạng xã hội
Hiện nay, trên các mạng xã hội, không khó để tìm thấy những cộng đồng bán voucher, combo du lịch giá rẻ. Để thu hút người mua, các cá nhân, đơn vị này tung ra các gói khuyến mại như sử dụng bể bơi, miễn phí bữa ăn sáng, hỗ trợ xe đưa đón tận sân bay... cùng với đó là mức giá rẻ đến khó tin.
Ảnh minh họa
Mục đích của Trang khi lên các hội nhóm này là để tìm kiếm khách hàng có nhu cầu, sau đó nhắn tin tiếp cận, đóng giả là công ty du lịch, phòng vé máy bay… rồi đưa thông tin giả mạo, tài khoản giả để du khách chuyển tiền vé hoặc tiền cọc tour du lịch, sau khi nhận được tiền, Trang cắt liên lạc.
Việc thực hiện các giao dịch hầu như đều thông qua mạng xã hội, người bán dễ dàng “chốt đơn” chỉ sau vài tin nhắn, người cần tìm combo đăng bài và chỉ vài phút sau, rất nhiều người bán sẽ tự động nhắn tin quảng cáo, tư vấn tới họ. Chính vì vậy, người mua dễ bị những đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo. Chúng không cần đăng tin rao bán mà chỉ cần có khách hỏi mua sẽ tự động nhắn tin mời chào.
Đó là hình thức lừa đảo chủ yếu mà các cá nhân, tổ chức này sử dụng. Những đối tượng này đánh vào tâm lý chung của khách hàng là rẻ, lại chọn đúng thời điểm nhiều người đang muốn “đổi gió” và các điểm đến hấp dẫn, nên nhiều công ty, phòng bán vé du lịch đã tung “chiêu” từ đó thực hiện các thủ đoạn lừa đảo.
Để “khách hàng” tin tưởng, Trang đã tiếp cận các công ty du lịch để tìm hiểu cũng như cập nhật thông tin về giá, chính sách của công ty và lấy các hợp đồng, từ đó tiến hành chỉnh sửa và đưa các thông tin giả, tài khoản giả để du khách tin tưởng chuyển tiền.
Các đối tượng thường dùng tài khoản mạng xã hội ảo, tên và ảnh người khác, tự xưng là nhân viên/cộng tác viên công ty du lịch. Sau khi lừa khách chuyển tiền vào tài khoản cho mình với lời hẹn ngày nhận mã vé và code phòng khách sạn, đối tượng biến mất. Với thủ đoạn tinh vi, sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng thường khóa tài khoản mạng xã hội, chặn hoặc hủy thông tin liên lạc, cơ quan chức năng khó quản lý, truy vết và xử phạt. Còn khách hàng chỉ khi bị lừa mất tiền hoặc đã dùng xong các dịch vụ không như quảng cáo thì mới biết mình bị lừa.
Cảnh báo được trang Facebook “Phú Vang quê hương tôi” đăng tải
Một số chiêu trò lừa đảo combo du lịch giá rẻ
Hiện nay, các chiêu trò lừa đảo để bán combo du lịch/khách sạn của các công ty “ma”, “không uy tín”, “làm ăn chộp giật” đang ngày càng tinh vi hơn. Trong đó 3 kiểu lừa đảo thông dụng nhất.
1. Đầu tiên, các công ty kiểu này cũng sẽ tổ chức tour cho các đoàn khách với giá rất rẻ, tạo được hiệu ứng và đánh giá tốt trên fanpage Facebook, qua đó tạo dựng hình ảnh một công ty uy tín trên MXH. Sau đó nhận tour và những khách hàng về sau lĩnh đủ vì bị ôm tiền.
2. May mắn hơn nhóm đối tượng ở trên, một số khách hàng mua các combo tour giá “siêu rẻ”, “không lợi nhuận” với những lời mời chào quảng bá hấp dẫn vẫn được đi tour. Nhưng thực tế đi về đã khiến khách hàng thất vọng vì khách sạn tệ, ăn uống không đủ no, tốn thêm tiền mua vé tham quan…
3. Đối với khách sạn, thì nhiều đối tượng lừa đảo rất tinh vi, lập các tài khoản giả danh khách hàng để tự đánh giá chất lượng 4 sao, 5 sao cho khách sạn của mình trên các website đặt phòng online, hoặc đưa ra những bình luận hết lời khen ngợi về chất lượng phòng. Kèm theo đó là những lời quảng cáo “siêu rẻ, siêu hấp dẫn”, “giá rẻ bất ngờ”, “siêu ưu đãi”… đã đánh lừa sự tỉnh táo, cảnh giác của du khách một cách thành công.
Ngoài ra, người dân cần cảnh giác với các mời gọi kểu “việc nhẹ lương cao” trên các diễn đàn liên quan đến du lịch vì hiện nay xuất hiện nhiều đối tượng xấu lợi dụng các hội, nhóm liên quán đến du lịch để lừa đảo về vấn đề này.
Mẫu mời chào kiểu “việc nhẹ lương cao”
Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt mua các “combo” du lịch giá rẻ
Nhiều năm trở lại đây, combo du lịch đã và đang trở thành sản phẩm kinh doanh chủ đạo của nhiều đơn vị lữ hành vì tính hiệu quả cao. Cùng với đó đây đang là cao điểm mùa du lịch chính vì vậy nhu cầu lại càng cao. Song combo du lịch cũng giống như nhiều mặt hàng, sản phẩm, có loại tốt, có loại không tốt. Vì vậy, người dân cần phải thông minh và tỉnh táo trước khi lựa chọn.
Trước khi quyết định đặt combo du lịch/khách sạn tại bất kỳ đơn vị nào, người dân nhất định phải thực hiện các biện pháp như kiểm tra thông tin đăng ký kinh doanh. Khi đó, người dân sẽ biết cụ thể về thời gian thành lập doanh nghiệp, cũng như các ngành nghề mà công ty đó thực hiện, để biết được công ty đó có chuyên về dịch vụ đang định sử dụng không. Tiếp theo là kiểm tra các kênh mạng xã hội của công ty. Một fanpage được thành lập lâu đời, cộng thêm có lượng review trải đều từ thời kỳ mới thành lập sẽ có tính uy tín cao hơn. Để chắc chắn hơn, bạn nên đến trực tiếp trụ sở, văn phòng của công ty. Khi đó bạn không chỉ có cái nhìn chính xác về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên của công ty. Nếu một công ty, đại lý không uy tín sẽ có địa chỉ không rõ ràng. Đặc biệt, người dân cẩn trọng khi làm việc với bất kì nhân viên/cộng tác viên công ty du lịch yêu cầu phải chuyển tiền trước.
Người dân nên có thói quen lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình mua combo như thanh toán, mail, tin nhắn... Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp combo làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé, các chi phí phát sinh khác (nếu có), trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý. Nếu có dấu hiệu bất thường, người dân cần sớm trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Trung Đức