A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác bẫy mua bán người từ mồi nhử “việc nhẹ lương cao”

Tội phạm buôn bán người là vấn đề nhức nhối được thế giới và Việt Nam quan tâm. Hiện nay các nhóm tội phạm buôn bán người thường tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội, dụ dỗ người dân rơi vào cạm bẫy mua bán người.

Thời gian qua, đã có nhiều nạn nhân bị dụ dỗ vào các đường dây mua bán người. Điển hình như: Ngày 5/6, khi từ thị xã Sông Cầu (Phú Yên) vào đến TP Hồ Chí Minh tìm việc, chị Nguyễn Thị Thu Ngọc (SN 2006, quê Phú Yên) được một phụ nữ đến đón tại bến xe ở số 537 Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) rồi chở về một căn nhà, nơi có khoảng 5 người con gái khác cũng giống như Ngọc. Từ đây, cả nhóm được 03 đối tượng đưa vượt biên trái phép vào Campuchia. Khi đến bên kia biên giới, cả nhóm bị nhốt vào một phòng riêng, có người canh gác ngày đêm. Trong khoảng thời gian này, Ngọc có gọi điện về gia đình. Gia đình Ngọc cũng thông tin rằng họ nhận được một số cuộc điện thoại yêu cầu đòi tiền chuộc 70 triệu đồng để nhận lại con…

Hay gần đây nhất, ngày 7-6, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh Bình Thuận đã thông tin về trường hợp em NBHN (16 tuổi) ngụ huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận có nhu cầu tìm việc làm để phụ giúp gia đình, nên đã vào fanpage “Việc Làm Phan Thiết – Bình Thuận” trên Facebook để tìm việc. Trên trang này, em đọc được thông tin tuyển người làm việc tại Campuchia với mức lương 23 triệu đồng/tháng của một tài khoản Facebook tên NL.

Em N rủ bạn tên D chủ động liên hệ với L và được người này hướng dẫn đi sang cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Tại đây, hai em được một số người tổ chức xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc trong sòng bạc do người Trung Quốc quản lý. Mỗi ngày phải làm việc liên tục từ 15 – 16 tiếng/ngày, bị quản lý công ty thường xuyên đánh đập, lúc này em N mới biết bị lừa, nên sau 3 ngày làm việc, N xin nghỉ thì công ty yêu cầu phải trả 90 triệu đồng gọi là tiền chi phí và “bồi thường hợp đồng lao động. Hết cách, em N đã phải liên lạc về gia đình mang tiền sang Campuchia chuộc đưa về Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Công an khuyến cáo để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết bản thân mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để tội phạm hoạt động. Hãy tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa.

Đặc biệt, người dân, nhất là nhóm trẻ tuổi cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Luôn đặt nghi vấn trước những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.

Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình như thế nào. “Hãy tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa” – Bộ Công an khuyến cáo.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng nhấn mạnh việc cần thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua bán.

Một trong những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả là luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, mỗi người nên tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người.

Hoàng Phúc