A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc giao dịch hàng hóa

Thời gian qua, lực lượng Công an huyện Đăk Hà phát hiện một thủ đoạn mới của các đối tượng phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua giao dịch hàng hóa. Đây là thủ đoạn mới, người dân cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn phạm tội này của các đối tượng lừa đảo.

Cụ thể, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: đối tượng giả danh là người đến mua hàng hóa, trong quá trình trao đổi với người bị hại thường thể hiện là người rất am hiểu về loại hàng hóa cần mua và đồng ý mua với số lượng lớn, sau đó nhanh chóng xin số tài khoản để đến ngân hàng chuyển khoản đủ số tiền đã thỏa thuận; để tạo niềm tin với người bị hại, đối tượng sẽ mang biên lai chuyển tiền được làm giả (giấy biên lai chuyển tiền được làm giả rất tinh vi, khó phân biệt thật giả) đến đưa cho chủ cửa hàng và hẹn hôm sau đến lấy hàng. Thời điểm đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo thường vào khung giờ: 10 giờ sáng hoặc 16 giờ chiều; bởi lẽ thời điểm này thường khiến người bị hại nghĩ rằng sẽ không nhận được tin nhắn chuyển tiền ngay vì đã hết thời gian làm việc của các ngân hàng. Sau khi rời đi khoảng 15 phút đối tượng sẽ đến mượn lại một ít tiền; hôm sau đến chở hàng sẽ trả lại cho chủ cửa hàng. Thời điểm chủ cửa hàng cho mượn lại tiền cũng đồng nghĩa với việc chiếm đoạt tài sản của đối tượng đã được thực hiện trót lọt.

Liên quan đến hình thức, thủ đoạn lừa đảo mới này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đăk Hà nhận được 01 tin báo của quần chúng nhân dân, cụ thể: Vào khoảng 09 giờ 30 phút ngày 12/3/2021, anh A đến cửa hàng của chị N.T.M.N (SN: 1988, trú thôn Tân Lập B, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) để mua cây giống. Trong quá trình nói chuyện, anh A tỏ ra rất am hiểu về cây giống, kỹ thuật trồng cây và cho biết giống cây nhà chị N cung cấp rất tốt, giá thành rẻ hơn nhiều cửa hàng khác. Đến khoảng 10 giờ anh A đồng ý mua hai giống cây là sầu riêng và mít thái siêu sớm, số lượng hơn 200 với giá thành là 72.500.000đ (Bảy mươi hai triệu năm trăm nghìn đồng) và hẹn sáng hôm sau sẽ đến lấy hàng. Số tiền mua hàng hai bên thỏa thuận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Khoảng 10 giờ 40 phút, anh A đến cửa hàng để hỏi chị N đã nhận được tiền chuyển khoản chưa và đưa cho chị N giữ 01 biên lai nộp tiền của ngân hàng Agribank (biên lai giả) để tạo niềm tin. Vì biên lai ghi đúng số tiền, số tài khoản người nhận và đang giờ nghỉ trưa của ngân hàng nên chị N không còn nghi ngờ gì. Khoảng 30 phút sau, anh A gọi điện để mượn lại 3.000.000đ (Ba triệu đồng) và hẹn sáng mai đến lấy hàng sẽ trả; vì tin tưởng nên chị N đã cho đối tượng A mượn hết số tiền mình có sẵn là 2.800.000đ (Hai triệu tám trăm nghìn đồng). Đến 14 giờ cùng ngày, chị N gọi điện thoại cho anh A nhiều lần vì vẫn chưa nhận được thông báo của ngân hàng về việc chuyển tiền thì không liên lạc được; chị đến ngân hàng Nông nghiệp Agribank chi nhánh trung tâm thương mại Đăk Hà để hỏi về giao dịch của anh A và được biết đây là biên lai giả, giao dịch giả.

Biên lai giao dịch giả mà đối tượng A đưa cho chị N.T.M.N nhằm tạo niềm tin thực hiện hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Hình ảnh đối tượng A – đối tượng thực hiện hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Công an huyện Đăk Hà nhận định: đây là thủ đoạn phạm tội mới của các đối tượng lừa đảo và có thể trở thành xu hướng phạm tội trong thời gian tới hòng chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, không chỉ giống cây trồng mà có thể các loại mặt hàng khác.
Công an huyện Đăk Hà cảnh báo: Cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh trên địa bàn cần nâng cao cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo này của các đối tượng, cẩn trọng, xác minh kỹ các thông tin khi thực hiện các giao dịch mua bán. Khi phát hiện hành vi lừa đảo tương tự, đề nghị người dân cần thông báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết./.

– Thùy Dung –


Tin liên quan