A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng ma túy trong học đường

Ma túy là một nguyên nhân gây ra nhiều tệ nạn xã hội, làm suy thoái đạo đức, sức khỏe, trí tuệ và năng lực làm việc của con người. Ma túy không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình mà còn đe dọa đến an ninh quốc gia, đến sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng sử dụng ma túy có xu hướng len lỏi vào trong học đường đã và đang gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Ma túy là một trong những vấn nạn xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và tương lai của người dân, đặc biệt là giới trẻ, thanh niên, học sinh. Theo thống kê, đến tháng 9/2023 toàn quốc có 213.000 người nghiện và sử dụng trái phép ma túy; trong đó 81.000 người 16-30 tuổi, chiếm 38% tổng số người nghiện. Tình trạng sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho công tác phòng chống ma túy trong học đường.

Ảnh minh họa

Một trong những nguy cơ lớn nhất là ma túy ngày càng đa dạng về chủng loại, giá rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng. Ma túy có thể len lỏi vào trường học, núp bóng dưới tên tem giấy, khô gà… khiến nhiều người dân lo lắng. Nhiều học sinh thành nạn nhân, tham gia mua bán, vận chuyển ma túy. Đáng lo hơn ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới pha trộn thực phẩm gần trường học nhằm lôi kéo học sinh, sinh viên. Những loại ma túy này có thể gây nghiện nhanh, ảnh hưởng đến não bộ, hệ thần kinh và cơ thể của người sử dụng.

Để ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài và coi trọng giảm nguồn cầu là giới trẻ, thanh niên, học sinh, thời gian qua, lực lượng Công an các cấp đã tập trung triệt phá các đường dây, tụ điểm sử dụng ma túy, bắt giữ nhiều đối tượng có liên quan. Đồng thời, Bộ Công an cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục học sinh, sinh viên, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường; phối hợp với Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, không để ma túy núp bóng thực phẩm hay ma túy điện tử.

Tuy nhiên, công tác phòng chống ma túy trong học đường không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn cần sự đồng lòng, đồng tâm của cả xã hội, đặc biệt là gia đình và nhà trường. Gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục con cái, là nơi đầu tiên phát hiện và ngăn chặn những dấu hiệu sử dụng ma túy của con em mình. Nhà trường là nơi truyền dạy kiến thức, kỹ năng, thái độ sống cho học sinh, là nơi tạo ra môi trường lành mạnh, an toàn cho học tập và phát triển của học sinh. Gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau trong công tác phòng chống ma túy trong học đường.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỷ luật của học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng, mua bán, vận chuyển ma túy trong học đường. Đồng thời, hỗ trợ, phục hồi, tái hòa nhập xã hội cho các em học sinh, sinh viên đã nghiện, sử dụng ma túy.

Ma túy trong học đường là một vấn đề nghiêm trọng, cần được quan tâm và giải quyết kịp thời. Do đó, cần sự đồng lòng, đoàn kết, hợp tác của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể, các nhà giáo, các phụ huynh và cả các em học sinh, sinh viên để có hành động quyết liệt nhằm phòng chống ma túy trong học đường, bảo vệ sức khỏe, tương lai của thế hệ trẻ, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc.


Tác giả: Hoàng Phúc