A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao làm việc với quản trị viên nhóm facebook báo chốt đo nồng độ cồn

Ngày 12/5/2023, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Kon Tum phối hợp Công an thành phố Kon Tum mời làm việc ông H.M.P (SN: 1981; trú tại: Phường Trường Chinh, Thành phố Kon Tum) là người điều hành, quản trị nhóm facebook “Nồng độ cồn Kon Tum” để làm rõ một số nội dung sai phạm trên mạng xã hội.

Tại cơ quan Công an, H.M.P đã thừa nhận thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan Nhà nước . Cụ thể: Nhóm facebook “Nồng độ cồn Kon Tum” được tạo lập vào ngày 28/1/2020 hiện có 7.655 thành viên với mục đích: “Thông báo cho nhau các địa điểm đo nồng độ cồn”. Tại nhóm các thành viên thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh thông báo về vị trí làm việc của lực lượng Cảnh sát giao thông, nhất là vị trí các chốt kiểm tra nồng độ cồn. Bên cạnh đó, tại nhóm, ông H.M.P cũng đồng thời là người phê duyệt việc lập 10 nhóm chat chung trên messenger, với các tên gọi ẩn danh như: “A Duy”, “Cao Tôn”, “Đón chồng về”, “Kon rẫy có biến”, “Nguyễn Văn Linh gần cầu”, “Nhờ trợ giúp”, “Nồng độ cồn”, “(y)”, “Aduy”, “Thông hồ” để các thành viên thường xuyên nhắn tin trao đổi thông tin liên quan đến các vị trí của chốt cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự để báo các chốt kiểm tra nồng độ cồn, với mục đích thông báo vị trí các tổ công tác của Cảnh sát giao thông để các thành viên tránh bị kiểm tra, xử lý khi có vi phạm.

Trên cơ sở tài liệu thu thập, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông H.M.P theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP) của Chính phủ. 

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 với mức phạt khá cao đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn đã tác động mạnh đến ý thức của đại bộ phận người tham gia giao thông. Cũng từ thời điểm đó, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện nhiều nhóm chuyên “báo chốt” đo nồng độ cồn nhằm thông tin cho người khác biết để tránh đi qua vị trí lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Sự xuất hiện của các nhóm báo chốt đo nồng độ cồn đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát hiện, xử lý người vi phạm của lực lượng CSGT. Bên cạnh đó, nhìn nhận ở một góc độ khách quan, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy và điểm qua những hiểm họa khôn lường mà hành vi báo “chốt” này có thể mang lại, như: (1) Hành vi này đã vô tình tạo điều kiện cho một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia vẫn “tự tin” cầm lái và thoải mái vi phạm các quy định về tốc độ khi điều khiển phương tiện giao thông vì họ đã nắm được vị trí lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ để chủ động né tránh, không bị kiểm tra, xử lý. (2) Các hội, nhóm trên thường có số lượng đông thành viên và không có sự kiểm soát chặt chẽ về các thành phần, chính vì vậy khi những thông tin báo “chốt” được phát đi và vô tình đến được với những đối tượng đang có ý định hoặc đang thực hiện hành vi phạm tội (các hành vi phạm tội khác như: vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, buôn lậu...) đã tiếp tay cho các loại tội phạm khi các đối tượng biết trước vị trí của lực lượng công an đang thực thi nhiệm vụ để né tránh kiểm tra./

 


Tác giả: Hoài Nhung