A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tội phạm giả danh chuyên gia chứng khoán để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang xâm nhập vào tỉnh lẻ

Thời gian gần đây, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng như lừa đảo kinh doanh đa cấp, giả danh tin nhắn của ngân hàng, thông báo trúng thưởng hay giả danh các cơ quan pháp luật thông báo vi phạm... nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân vẫn xảy ra. Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cảnh báo. Mới đây, tại tỉnh Kon Tum đã xuất hiện thêm một thủ đoạn mới là giả danh chuyên gia chứng khoán để lừa đảo thì hoàn toàn mới mẻ. Bởi các nạn nhân ở đây đa số lần đầu được tiếp cận hoặc chưa từng biết đến chứng khoán.

Dù các hành vi lừa đảo không còn mới, nhưng tại các tỉnh lẻ thì nhiều người vẫn mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo. Loại tội phạm này thường sử dụng mạng xã hội Facebook, ZaLo, Telegram… chúng thường đưa ra các thông tin đánh vào sự thiếu hiểu biết và lòng tham, muốn kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng của các nạn nhân. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận đơn trình báo của 02 trường hợp bị tội phạm giả danh chuyên gia chứng khoán mời gọi đầu tư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây tổng thiệt hại lên đến hơn 1 tỷ đồng.

nh minh hoạ

Chị T trú tại tỉnh Kon Tum, thông qua mạng xã hội Facebook đã được một đối tượng tự xưng là chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán tư vấn, mời gọi tham gia, ban đầu chị T tham gia với số tiền nhỏ và tài khoản đã sinh lợi nhuận chị đã rút được tiền gốc và lợi nhuận ra khỏi tài khoản, sau đó đối tượng này kêu gọi chị T đầu tư thêm 80 triệu và được công ty hỗ trợ thêm 20 triệu vào tài khoản chứng khoán. Sau một thời gian, đối tượng thông tin đến chị T là đã đầu tư thành công và lợi nhuận đã lên đến 3 tỉ 3 trăm triệu, bằng những thủ đoạn này đối tượng đã chiếm được lòng tin của chị T để tiếp tục đưa ra các thông tin dụ dỗ chị đầu tư với số tiền lớn hơn. Vì tin tưởng như lần đầu là sẽ rút được tiền và kiếm thêm lợi nhuận một cách dễ dàng nên chị đã nộp tiền nhiều lần vào các tài khoản theo chỉ định của đối tượng lừa đảo tổng cộng lên đến hơn 600 triệu đồng.

Chị T, nạn nhân của một vụ lừa đảo đầu tư chứng khoán

Chị T chia sẻ: Tiền tham gia tôi đi vay mượn hết, không có tiền nhà, khoản cuối cùng họ nói là số tài khoản sai nhiều lần bắt phải nộp phí để thanh tra nguồn tiền tại vì số tiền quá lớn nên không rút được, họ bắt nộp phí 346 triệu nữa khi đó tôi mới giật mình phát hiện mình bị lừa, chắc là không lấy lại được tiền, nên số tiền đó tôi không nộp nữa.

Qua thực tế đấu tranh với loại tội phạm này, Trung tá Đinh Quốc Tuấn, Phó trưởng phòng - Phòng Cảnh sát hình sự cho biết: Loại tội phạm này thường đánh vào tâm lý của nạn nhân là sẽ không phải mất nhiều công sức và chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhuận một số tiền lớn, để dụ dỗ người bị hại thì ngay từ ban đầu đối tượng sẽ cho người bị hại được hưởng lợi nhuận một cách đơn giản để làm tin, sau khi cho hưởng lợi nhuận thì đối tượng tiếp tục dụ dỗ đầu tư thêm tiền để thu lại được nhiều lợi nhuận hơn, sau khi bị hại đầu tư thêm tiền thì các đối tượng tung tin là bị thua lỗ nên cần đầu tư thêm để gỡ lại số tiền đã thua lỗ, chính vì tiếc số tiền đó nên người bị hại đã đi vay thêm tiền để tiếp tục đầu tư với hy vọng sẽ lấy lại được số tiền đã đầu tư trước đó, cho đến khi không còn khả năng nữa người bị hại mới nghi ngờ đây là lừa đảo mới trình báo cơ quan Công an.

Trung tá Đinh Quốc Tuấn chia sẻ về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản giả gianh chuyên gia chứng khoán

Để cảnh báo đến người dân, Trung tá Đinh Quốc Tuấn cũng có khuyến cáo: Về hình thức và thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng chúng tôi cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền rất nhiều lần nhưng người dân vẫn không nhận thức được đầy đủ và vẫn tiếp tục bị chiếm đoạt tài sản, đối với các trường hợp như vậy chúng tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không nghe theo những lời dụ dỗ của các đối tượng vì đa số các trang sàn chứng khoán trên mạng là lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, tuyệt đối không nghe theo các đối tượng đó. Khi lỡ đã bị lừa đảo thì bị hại hãy hỏi những người xung quanh, người thân tra cứu trên mạng internet để biết và ngừng ngay việc bị lừa đảo và trình báo cơ quan công an nơi gần nhất.

Trao đổi về việc xử lý hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Luật sư Hoàng Minh Tân - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Kon Tum cho biết: Đối với hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hiện nay theo quy định điều 174, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị xử lý tuỳ theo tính chất, mức độ bị xử phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm và phạt tù có thời hạn từ 6 tháng đến 20 năm và mức cao nhất là tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt hình thức bổ sung từ 10 đến 100 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ công việc nhất định từ 1 đến 5 năm và còn có thể áp dụng hình thức tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội.

Luật sư Hoàng Minh Tân, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kon Tum

Luật sư Tân cũng có lời khuyên đến người dân: Đối với người bị hại khi phát hiện mình bị lừa đảo thì cần trình báo ngay đến cơ quan Công an, nội dung trình báo cần trình bày diễn biến sự việc súc tích, đầy đủ. Ngoài ra cần chuẩn bị các chứng cứ, tài liệu kèm theo, những cuộc hội thoại và những chứng cứ điện tử hiện nay như: Cuộc gọi điện thoại, các tin nhắn, các cuộc hội thoại trao đổi trên các không gian mạng xã hội như ZaLo, Facebook. Đối với các thành phần đối tượng lừa đảo trên mạng và những tội phạm thường có chuẩn bị cao, một phần nào đó có ý thức và trình độ nhất định, có âm mưu và thủ đoạn đối phó với cơ quan điều tra, nên chúng tôi khuyên các bị hại cần nhanh chóng làm đơn hoặc trực tiếp tố giác đến cơ quan điều tra để được bảo vệ quyền lợi tốt nhất.

Để bản thân không trở thành miếng mồi béo bở của loại tội phạm này, người dân cần cảnh giác, không nên tin vào những lời dụ dỗ việc nhẹ, lại kiếm được nhiều tiền như lời giới thiệu của các đối tượng đưa ra. Qua đây cũng là lời cảnh tỉnh đến những người dân thiếu hiểu biết, tiếp nhận những thông tin chưa được kiểm chứng, vì lòng tham, muốn làm giàu nhanh chóng mà tiền mất tật mang. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Kon Tum đang tiếp tục điều tra các vụ việc trên.


Tác giả: Văn Lai