A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Dịch vụ công trực tuyến thu tiền nộp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là một trong những cải cách thủ tục hành chính quan trọng của Bộ Công an, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các Nghị định hướng dẫn thi hành, người vi phạm giao thông có thể được xử lý theo hai hình thức: Xử phạt tại chỗ hoặc ra quyết định xử phạt. Trong trường hợp ra quyết định xử phạt, người vi phạm có nghĩa vụ nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước hoặc các đơn vị được ủy quyền thu tiền phạt, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt. Việc nộp phạt theo cách truyền thống này gặp nhiều khó khăn và bất tiện cho người dân, do phải đi lại nhiều lần, chờ đợi, mất thời gian và chi phí.

Nhận thấy những bất cập này, Bộ Công an đã triển khai dịch vụ công trực tuyến thu tiền nộp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhằm giúp người dân có thể tra cứu, thanh toán vi phạm giao thông một cách nhanh chóng, tiện lợi và an toàn.

Cách sử dụng dịch vụ

Để sử dụng dịch vụ này, người dân có thể truy cập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia (dichvucong.gov.vn) hoặc Cổng Dịch vụ công Bộ Công an (dichvucong.bocongan.gov.vn), bằng cách nhập số biên bản hoặc số quyết định xử phạt và chọn ngân hàng để thanh toán trực tuyến.

1. Đối với việc nộp phạt trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, người dân có thể thực hiện các bước sau:

Bước 1: Truy cập địa chỉ http://dichvucong.bocongan.gov.vn/ và tiến hành đăng nhập (nếu đã có tài khoản) hoặc đăng ký (nếu chưa có tài khoản).

Bước 2: Chọn mục “Nộp phạt xử lý hành chính trong lĩnh vực giao thông”.

 

 Bước 3: Chọn mục “Nộp phạt xử lý hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”.

 

Bước 4: Bấm chọn “Nộp hồ sơ” sau đó thực hiện theo hệ thống để thực hiện nộp phạt (từ Bước 5 trở đi tại mục 3).

 

2. Đối với việc nộp phạt trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, người dân có thể thực hiện các bước sau:

Bước 1: Truy cập địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/ và tiến hành đăng nhập (nếu đã có tài khoản) hoặc đăng ký (nếu chưa có tài khoản).

Bước 2: Chọn “Thanh toán trực tuyến”

Bước 3: Chọn “Nộp phạt xử phạt vi phạm hành chính”

Bước 4: Chọn “Tra cứu, thanh toán vi phạm giao thông”

3. Tiến hành tra cứu thông tin và nộp phạt

Bước 5: Tiến hành tra cứu theo mã quyết định hoặc tra cứu theo biên bản vi phạm.

- Trong trường hợp tra cứu theo mã quyết định: chọn mục “Cảnh sát giao thông”, sau đó điền thông tin về “Số quyết định” và nhập “Mã bảo mật”.

- Đối với trường hợp tra cứu theo biên bản vi phạm: Điền thông thông tin vào mục “Số biên bản”, “Họ tên người dân/Tên doanh nghiệp/Tên tổ chức vi phạm”.

Tiếp đó, tại mục “Đơn vị lập biên bản xử phạt” người dân tích chọn “Cảnh sát giao thông”. Sau đó điền đầy đủ các thông tin “Tỉnh/Thành phố”, “Đơn vị lập biên bản xử phạt”, “Ngày vi phạm” và “Mã bảo mật”.

Bước 6: Sau khi điền đầy đủ các thông tin, người dân ấn chọn “Tra cứu”. Tại đây sẽ hiện ra toàn bộ thông tin về hành vi sai phạm, số biên bản, ngày ra quyết định xử phạt, mức tiền nộp phạt.

Bước 7: Người dân lựa chọn hình thức “Thanh toán và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt” hoặc “Thanh toán và nhận kết quả tại nhà” (với hình thức “Thanh toán và nhận kết quả tại nhà” người dân phải có tài khoản tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia).

Bước 8: Người dân nhận giấy tờ tại các cơ quan xử phạt hoặc tại nhà.

Theo ước tính của Bộ Công an, dịch vụ công thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội) đã làm giảm thời gian đi lại nhận quyết định xử lý vi phạm hành chính, nộp phạt cho công dân, tiết kiệm 479,09 tỷ đồng. Đây là một trong những biện pháp cải cách thủ tục hành chính hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển của Chính phủ số. Dịch vụ này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, mà còn nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ.


Tác giả: Hoàng Phúc
Tin liên quan