A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàn thành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy

Thực hiện chương trình giám sát năm 2019, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã thành lập đoàn giám sát tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018 tại Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum, Xí nghiệp May Kon Tum, UBND huyện Ngọc Hồi, UBND huyện Kon Rẫy và UBND thành phố Kon Tum từ ngày 01/4 đến ngày 10/4/2019.

Ngày 11/4/2019, tại Hội trường UBND tỉnh Kon Tum, Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018 trên địa bàn tỉnh do đồng chí Tô Văn Tám, TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì.

Quang cảnh buổi làm việc

Toàn tỉnh hiện có 934 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 281 cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ. Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa các chủ trương chỉ đạo của Đảng,Chính phủ và của Bộ Công an về công tác PCCC. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào toàn dân PCCC theo phương châm 4 tại chỗ; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm các trường hợp vi phạm về PCCC; làm tốt công tác thường trực 24/24h, kịp thời chữa cháy và CNCH, tổ chức cứu người, tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do cháy, nổ gây ra. Từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 109 vụ cháy, làm bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản khoảng 26,436 tỷ đồng và 153,74 ha rừng. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham gia cứu chữa 84 vụ cháy, cứu được hàng trăm người bị nạn và tài sản với giá trị hàng trăm tỷ đồng; tổ chức 61 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC với 4.132 người tham gia; tiến hành kiểm tra an toàn về PCCC đối với 3.488 lượt cơ sở và kịp thời hướng dẫn khắc phục hằng chục nghìn hạn chế, thiếu sót về PCCC. Do đó, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét; ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC được nâng lên; hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC được tăng cường.

Thay mặt UBND tỉnh, tại buổi làm việc đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế đối với việc tổ chức thực hiện công tác PCCC trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhất là công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với cấp huyện và cơ sở. Đồng thời phản ánh, kiến nghị với Đoàn giám sát về một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định về PCCC đối với nhà ở cao tầng chuyển mục đích sử dụng sang các loại hình kinh doanh khác; nhà dân phải đảm bảo các yêu cầu về thoát nạn; biên chế, phương tiện, thiết bị và kinh phí cho lực lượng thực hiện công tác PCCC rừng và lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH…

Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao công tác chỉ đạo, triển khai kịp thời các chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm thực hiện đúng quy định; chú trọng công tác phòng ngừa, xây dựng lực lượng và xử lý kịp thời các vụ cháy trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị của địa phương để nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét theo quy định của pháp luật.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đưa ra phương hướng khắc phục, đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo thống nhất nhận thức về chức năng PCCC; quán triệt phương châm ‘phòng là chính’, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong công tác chữa cháy; quy hoạch, xây dựng hạ tầng về PCCC; nghiên cứu các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, chỉ đạo tăng cường, đôn đốc công tác phối hợp trong PCCC; chú trọng xây dựng lực lượng PCCC vững mạnh, tăng cường công tác tập huấn kỹ năng PCCC các lực lượng; nâng cao nhận thức về PCCC cho cán bộ, nhân dân; tập trung triển khai công tác kiểm tra đột xuất, rà soát lại các cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu về PCCC để có biện pháp khắc phục.

Ngọc Hiếu