A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt nhằm bảo đảm lợi ích tối đa cho người dân

Hiện nay, cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội (ASXH) đã được triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhóm đối tượng này. Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách ASXH, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

 

Ngày 25 tháng 11 năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị số 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đảm bảo tính đồng bộ giữa các địa phương; chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực ngoài nhà nước tham gia vào cung cấp dịch vụ công. Chậm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành chính sách. Ngày 22 tháng 01 năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Văn bản số 388/BLĐTBXH-CNTT gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách.

Theo đó, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá tình hình 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ; Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH ngày 12/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, tăng cường tổ chức chi trả trợ cấp ASXH đến các đối tượng hưởng chính sách qua tài khoản của đối tượng thụ hưởng hoặc người được ủy quyền; đối với đối tượng hưởng chính sách ASXH chưa có tài khoản, đề nghị tiếp tục vận động, tuyên truyền, hỗ trợ để các đối tượng hưởng chính sách ASXH mở tài khoản phục vụ công tác nhận trợ cấp ASXH. Trường hợp đối tượng hưởng chính sách ASXH không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác theo quy định.

Ngày 28 tháng 02 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 700/KH-UBND triển khai chi trả chính sách ASXH không dùng tiền mặt cho đối tượng ASXH trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chi trả trợ cấp ASXH không sử dụng tiền mặt, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, đối tượng, gia đình đối tượng và cộng đồng về các quy định chính sách Nhà nước về ASXH, cũng như công tác triển khai tổ chức chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH.

Tính đến ngày 12 tháng 3 năm 2024, kết quả thực hiện chi trả ASXH không dùng tiền mặt gồm có: Chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội, người hưởng lương hưu, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt: 7.462/12.502 đối tượng, đạt 60%; tổng số đối tượng được Nhà nước hỗ trợ ASXH có tài khoản trên địa bàn là 783 trường hợp, trong đó: 758 trường hợp có tài khoản ASXH và nhận trợ cấp qua tài khoản; 25 trường hợp có tài khoản ASXH nhưng không đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản.

Tổng số tiền đã chi trả qua tài khoản là 5.532.071.200 VNĐ (Năm tỷ, năm trăm ba mươi hai triệu không trăm bảy mươi mốt ngàn, hai trăm đồng).

Ảnh. Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Kon Tum sơ kết 02 năm thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh

Thời gian qua, việc sử dụng chi trả bằng tiền mặt đã nảy sinh nhiều bất cập như: bất tiện khi giao dịch với số lượng lớn, độ an toàn không cao cũng như bảo quản khó khăn. Chính vì vậy cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, đã thúc đẩy việc mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều lợi ích. Các tiện ích của tài khoản ngân hàng khi thực hiện chi trả ưu đãi ASXH không dùng tiền mặt đối với người dân, cụ thể:

- Về thời gian được nhận chi trả ưu đãi xã hội: Người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH, nhận chi trả ưu đãi xã hội được đảm bảo nhận ưu đãi đúng thời gian, các trường hợp thụ hưởng, số tiền theo danh sách chi trả do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp; công tác tổ chức chi trả được thực hiện một cách khoa học và hợp lý để người nhận không phải xếp hàng chờ đợi lâu.

- Việc thanh toán không dùng tiền mặt an toàn và tránh được các rủi ro như mất cắp, tiền rách, tiền giả. Chuyển tiền nhanh chóng chính xác, không cần kiểm đếm dễ dàng quản lý chi tiêu cá nhân, thanh toán hàng hóa, dịch vụ mọi lúc mọi nơi.

- Công tác chi trả ưu đãi ASXH được thực hiện bởi các đơn vị nhà nước và dịch vụ bưu chính công ích đảm bảo tính chuyên nghiệp, được quản lý thống nhất, đảm bảo an toàn các nguồn tiền chi trả do cơ quan ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, công tác an toàn tiền mặt tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, chuyên nghiệp.

- Với chủ trương của Đảng, Nhà nước là “đem lại lợi ích tối đa cho người dân” các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán: Mobile Money; Ứng dụng ngân hàng (Banking) (Vietinbank; Agribank; Ngân hàng chính sách, Liên Việt...); VNelD; Người ủy quyền; Tổ chức dịch vụ chi trả; Ví (VNPOST; EPAY;... các ví khác), trong thời gian thực hiện cao điểm mở đợt cao điểm tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH thực hiện đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt,người dân thuộc trường hợp được hưởng ưu đãi xã hội khi đăng ký tài khoản để nhận chi trả ưu đãi trong thời gian trên hoàn toàn được miễn phí toàn bộ các chi phí liên quan đến mở thẻ, duy trì thẻ và phí rút tiền tại các điểm rút tiền của ngân hàng trong quá trình sử dụng.

Việc “thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý” là một trong những nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt; tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi, thụ hưởng và nhận định đúng các chính sách của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi số; góp phần vào công tác phòng chống tiêu cực, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ASXH, đảm bảo chi trả đúng chính sách, đúng đối tượng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, trục lợi; Hỗ trợ kịp thời các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhất trong xã hội và khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhóm đối tượng “yếu thế”.

Thanh toán không dùng tiền mặt hay còn gọi là thanh toán điện tử để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại 4.0. Chúng ta cần đi đầu trong việc tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong đời sống xã hội góp phần phát triển đất nước, chung tay xây dựng xã hội có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại./.

 

 


Tác giả: Nguyễn Thị Tâm
Tin liên quan