Kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân
Tiếp công dân được đánh giá là công tác quan trọng tại trụ sở của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH. Thông qua hoạt động tiếp công dân, đơn vị giải quyết được những yêu cầu cần thiết của Nhân dân cũng như tiếp nhận kịp thời các kiến nghị, phản ánh của Nhân dân liên quan đến việc thực hiện các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên các lĩnh vực: cấp và quản lý chứng minh nhân dân; cấp, quản lý các giấy tờ liên quan đến vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quản lý con dấu, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH .
Qua quá trình công tác, Phòng CSQLHC về TTXH đã rút ra một số kinh nghiệm quan trọng.
Trang bị đầy đủ bảng hiệu ghi tên cơ quan, biển hiệu chỉ dẫn đến nơi giải quyết từng nội dung công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, có nội quy, lịch tiếp công dân giải quyết các mặt công tác một cách rõ ràng, có biển hiệu ghi cấp bậc, họ tên, chức vụ của cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, có hòm thư góp ý kiến để Nhân dân phản ánh những kiến nghị, vướng mắc, khó khăn một cách thuận lợi, đặc biệt tại khu vực tiếp dân giải quyết cấp chứng minh nhân dân năm 2013 đơn vị trang bị hệ thống xếp hàng điện tử đảm bảo tránh sự chen lấn, xô đẩy khi nhân dân đến liên hệ làm chứng minh nhân dân được Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Niêm yết công khai tại địa điểm tiếp công dân về trình tự, thủ tục, lệ phí, thời gian giải quyết cấp chứng minh nhân dân; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cấp giấy phép trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; cấp giấy phép khắc dấu, cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
Khi tiếp xúc ban đầu, cán bộ tiếp công dân cần chú ý có thái độ, tác phong, cử chỉ, lời nói lịch sự, nhã nhặn, bình tĩnh, khiêm tốn, đúng mực ngay từ khi tiếp xúc ban đầu với công dân, cũng như trong quá trình tiếp công dân. Sau đó yêu cầu công dân xuất trình các loại giấy tờ cần thiết và tiến hành các thủ tục kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ như đối chiếu thông tin trên CMND, thông tin trên tờ khai với thông tin trong sổ hộ khẩu; đối chiếu ảnh của người trong CMND với người đến làm CMND hoặc đối chiếu con dấu với mẫu dẫu trên giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu….Trong bất kỳ tình huống nào, cán bộ tiếp công dân không được sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền, thiếu văn hóa.
Nếu công dân có thái độ nóng nảy, cán bộ làm công tác tiếp công dân phải nhã nhặn, mềm dẻo, đôi khi phải lựa ý họ. Nếu công dân tỏ ra xúc động không trình bày được rõ nội dung, người tiếp công dân cần động viên họ, tạo điều kiện cho họ bình tĩnh trình bày nội dung sự việc, yêu cầu cần giải quyết. Đối với người có thái độ thiếu văn hóa, cán bộ làm công tác tiếp công dân cần xác định cho họ đây là cơ quan nhà nước cần phải có thái độ nghiêm túc và yêu cầu công dân thực hiện nội quy tiếp công dân.
Quá trình làm việc, có một số một nội dung chủ yếu mà cán bộ tiếp công dân cần bảo đảm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ như: kỹ năng hỏi, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng ghi nhớ nội dung trình bày, kỹ năng giải thích và kỹ năng trình bày cho công dân hiểu về các quy định cũng như các thủ tục cần thiết cho công việc. Ví dụ: Khi công dân muốn thay đổi họ và tên mới mà trên CMND vẫn in tên cũ thì cán bộ phải giải thích và yêu cầu công dân liên hệ với UBND để làm quyết định cải chính; hoặc khi công dân muốn thay đổi ngày tháng năm sinh thì công dân cần liên hệ với Công an huyện, thành phố nơi cư trú xin phiếu điều chỉnh thông tin (gọi tắt là HK04)….
Bố trí và phân công, bố trí cán bộ chiến sĩ có trình độ, kinh nghiệm; có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc; có tinh thần phục vụ Nhân dân; rèn luyện về tâm lý vững vàng; có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong, thái độ, cử chỉ hòa nhã, lịch sự làm nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết công việc có liên quan đến người dân. Tôn trọng quy tắc ứng xử, nêu cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tiếp công dân.
Khi gặp những trường hợp khó khăn trong việc di chuyển như người già yếu, người tàn tật thì cán bộ tiếp dân phải tận tình giúp đỡ, xin ý kiến những công dân đến số thứ tự ưu tiên cho giải quyết trước; những trường hợp không đến được trụ sở làm việc thì đơn vị cử cán bộ đến làm CMND tận nhà.
Tóm lại tiếp công dân là công tác có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự gần gũi giữa cán bộ chiến sỹ Phòng CSQLHC về TTXH với Nhân dân. Chính vì vậy mà lãnh đạo đơn vị luôn đòi hỏi cán bộ tiếp công dân trước hết phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên trau dồi kỹ năng tiếp công dân, nắm bắt được các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao tiếp trong tiếp công dân, giao tiếp phù hợp với môi trường theo các cách cư xử khác nhau; rút kinh nghiệm những yêu cầu đặt ra để tiếp công dân thành công, chú ý lắng nghe một cách tích cực.
Hoàng Nguyễn (Phòng CSQLHC về TTXH)