A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Tích cực rà soát, hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng Căn cước công dân gắn chíp, bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân, hình ảnh Căn cước công dân

Vừa qua, Công an tỉnh Hà Giang báo cáo vụ việc liên quan đến hoạt động thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái phép thông tin cá nhân của người khác xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Cụ thể, ngày 01/7/2022, Công an tỉnh Hà Giang phát hiện một số đối tượng trên địa bàn Thành phố Hà Giang có hoạt động thu thập, sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp điện tử của người khác để tạo lập tài khoản ngân hàng (Vietinbank) và tài khoản Amazon (tài khoản của trang thương mại điện tử Amazon) sau đó thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép những tài khoản này. Ngay sau khi phát hiện, Công an tỉnh Hà Giang đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương tiến hành xác minh, làm rõ, xác định 04 đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Hiện Công an tỉnh Hà Giang đang củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Đây là một trong các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, do đó để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật thông qua các thủ đoạn đánh cắp dữ liệu cá nhân, tạo lập tài khoản giả; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực tuyên truyền, nêu cao tinh thần cảnh giác của công dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân và thẻ CCCD của mình.

Lực lượng Công an huyện KonPlong tích cực thu nhận Căn cước công dân lưu động cho công dân trên địa bàn (L.V.B)

Tính đến ngày 25/9/2022, toàn tỉnh Kon Tum thu nhận 385.606 hồ sơ đề nghị cấp CCCD; trong đó: Cấp mới thường trú 376.756 hồ sơ, cấp đổi thường trú 2.224 hồ sơ, cấp lại thường trú 1.998 hồ sơ; Cấp mới tạm trú 4.446 hồ sơ, cấp đổi tạm  trú 148 hồ sơ, cấp lại tạm trú 34 hồ sơ. Đã hoàn thiện, truyền hồ sơ về Cục Cảnh sát quản  lý hành chính về trật tự xã hội 380.126 hồ sơ và Cục Cảnh sát quản lý hành  chính về trật tự xã hội trả địa phương 354.156 thẻ Căn cước công dân. Đã tiến hành thu nhận hồ sơ cấp Định danh điện tử trên địa bàn tỉnh 11.794 hồ sơ  cấp Định danh điện tử.

Hiện nay, Công an các đơn vị địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án đẩy mạnh công tác thu nhận thẻ CCCD với nhiều hình thức: lưu động, tại chỗ, viết giấy mời hẹn người dân…; tích cực tuyên truyền, vận động người dân, cán bộ công chức gương mẫu thực hiện tích hợp các loại giấy tờ, cấp tài khoản định danh điện tử trên địa bàn.

Lực lượng chức năng tích cực vận động, hỗ trợ người dân thu nhận CCCD

Căn cứ Thông tư số 06/2021/TT-BCA ngày 23/01/2021 của Bộ Công an về Quy định về mẫu thẻ CCCD dân; trên thẻ CCCD có gắn chíp có áp dụng các kỹ thuật in bảo an và sử dụng chíp có độ bảo mật cao để đảm bảo thẻ CCCD khó bị làm giả, tránh lộ lọt thông tin của công dân, cụ thể: Thẻ CCCD được bố trí in hoa văn, họa tiết tinh xảo, font chữ, kích thước, màu sắc thống nhất; Thẻ CCCD có gắn chíp sử dụng công nghệ mực in, chất liệu, phôi nhựa chuyên biệt và nhiều lớp, phải sử dụng đèn UV chuyên dụng và trong môi trường ánh sáng đảm bảo để xác định các hình ảnh được in ẩn trên thẻ (Do Bộ Công an thực hiện in bảo an); Thông tin trong chíp được mã hóa, ký số quốc gia do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp để chỉ có thiết bị, phần mềm chuyên dụng mới có thể kiểm tra, xác thực, chống làm giả; Hệ điều hành trên chíp được tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc học.

Hiện nay, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tích cực rà soát, hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng Căn cước công dân gắn chíp, bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân, hình ảnh Căn cước công dân bằng một số nội dung sau:

Một là, căn cứ các mức bảo an in trên bề mặt thẻ, các yếu tố kỹ thuật trên chíp, chứng thư số chống sao chép, chống làm giả và công tác nghiệp vụ để thực hiện xác định phát hiện các giấy tờ giả mạo bảo vệ thông tin cá nhân của công dân.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp các sở, ban ngành thường xuyên thông tin đến công dân về lợi ích và tính bảo mật của thẻ CCCD có gắn chíp, phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm.

Ba là, hướng dẫn người dân không cung cấp hình ảnh thẻ CCCD cho tổ chức, cá nhân khi không chắc chắn về mục đích sử dụng và khả năng bảo vệ dữ liệu của tổ chức, cá nhân đó.

Thẻ CCCD gắn chíp mang đến rất nhiều lợi ích không chỉ cho người dân mà cho cả cơ quan quản lý. Thẻ CCCD gắn chíp có thể tích hợp được hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như: Giấy phép lái xe; thẻ bảo hiểm y tế; sổ bảo hiểm xã hội; sổ hộ khẩu; tạm trú tạm vắng… Nhờ việc tích hợp được nhiều loại giấy tờ thẻ CCCD gắn chíp trở nên vô cùng thuận tiện. Thay vì việc phải làm và mang theo rất nhiều các loại giấy tờ khác nhau thì người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để làm mọi giao dịch. Với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính; đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số; chíp trên thẻ không có chức năng định vị, theo dõi vị trí. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Trong trường hợp người dân mất thẻ CCCD gắn chíp, cũng không có nguy cơ lộ lọt thông tin.

Triển khai áp dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử góp phần tích cực vào việc đổi mới cách thức quản lý hiện đại. Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin về dân cư vững vàng phù hợp với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Công dân được phục vụ nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, công sức đi lại. Cùng với đó, các cơ quan nhà nước được kết nối; khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý của mình nhanh chóng, chính xác, độ tin cậy cao;  minh bạch hóa các thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian trả kết quả của các dịch vụ hành chính công./.

 


Tác giả: Nguyễn Thị Tâm
Tin liên quan