Câu hỏi:
Tham nhũng
Tôi được biết, tham nhũng biểu hiện trong đời sống rất đa dạng, tinh vi, như: Tham ô tài sản, nhận hối lộ,… Xin hỏi, theo quy định của pháp luật, những hành vi “nhũng nhiễu vì vụ lợi” có bị coi là tham nhũng hay không? Theo quy định của pháp luật, hành vi nào bị coi là hành vi tham nhũng?
Trả lời:
  • Vấn đề bạn hỏi được quy định cụ thể trong Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng”.
              Theo Điều 3 của Luật phòng, chống tham nhũng, các hành vi tham nhũng, được quy định cụ thể như:
              1. Tham ô tài sản.
              2. Nhận hối lộ.
              3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
              4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
              5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
              6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
              7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.
              8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
              9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.
              10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi.
              11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
              12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
              Theo quy định tại Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng”, các hành vi tham nhũng được quy định tại các khoản 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng, được xác định cụ thể như sau:
              1. Hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi bao gồm những hành vi sau đây:
              – Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được nhận cơ chế, chính sách có lợi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;
              – Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được ưu tiên trong việc cấp ngân sách cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;
              – Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được giao, phê duyệt dự án cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;
              – Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được nhận danh hiệu thi đua, danh hiệu vinh dự nhà nước đối với tập thể và cá nhân cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;
              – Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được cấp, duyệt các chỉ tiêu về tổ chức, biên chế nhà nước cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;
              – Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán hoặc để làm sai lệch kết quả kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán nhằm che dấu hành vi vi phạm pháp luật;
              – Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được nhận các lợi ích khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
              2. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi bao gồm những hành vi sau đây:
              – Sử dụng tài sản của Nhà nước vào việc riêng;
              – Cho thuê tài sản của Nhà nước, cho mượn tài sản của Nhà nước;
              – Sử dụng tài sản của Nhà nước vượt quá chế độ, định mức, tiêu chuẩn.
              3. Hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi là hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm đòi hỏi, ép buộc công dân, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân khác phải nộp những khoản chi phí ngoài quy định hoặc phải thực hiện hành vi khác vì lợi ích của người thực hiện hành vi nhũng nhiễu.
              4. Hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi là hành vi cố ý không thực hiện trách nhiệm mà pháp luật quy định cho mình trong việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thời hạn nhiệm vụ, công vụ của mình vì vụ lợi.
              5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi bao gồm những hành vi sau đây:
              – Sử dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình để che giấu hoặc giúp giảm nhẹ hành vi vi phạm pháp luật của người khác;
              – Sử dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình để gây khó khăn cho việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc làm sai lệch kết quả các hoạt động trên.
              Đối chiếu với các quy định nêu trên, hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi bị coi là tham nhũng và cá nhân nào vi phạm điều này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

    Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ – Công an tỉnh Kon Tum

    17/06/2022  |  Công an tỉnh Kon Tum đã phản hồi