Bộ Công an lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Sau 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập và đặt ra yêu cầu sửa đổi.
Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập như việc các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành đã lâu nên nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay như các chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành
Nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người và liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực hiện như chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội; cơ quan được giao quyết định hỗ trợ văn hóa, học nghề theo quy định của Luật và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người còn khác nhau; quy định thời gian được hỗ trợ khác nhau giữa các văn bản… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi luật. Việc nghiên cứu để sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.
Mục tiêu của việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và phù hợp pháp luật có liên quan; bảo đảm sự phù hợp với yêu cầu của thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người; khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống mua bán người; tiếp tục hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của công tác phòng, chống mua bán người.
Bộ Công an đã dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Toàn văn dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng (từ ngày 06/10 - 06/11/2022).