A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ mỹ quan đô thị

 

Xả rác, chăn thả gia súc bừa bãi, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, chợ tự phát gây ách tắc giao thông… là những hiện tượng quen thuộc thường gặp hằng ngày khi đi trên đường. Tình trạng này đã và đang gây ra nhiều hệ lụy khôn lường không chỉ đối với mỹ quan chung của đô thị mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.

Tình trạng mất mỹ quan đô thị diễn ra khá phổ biến

Khi các đô thị chỉ tập trung phát triển kinh tế bằng việc đầu tư vào các ngành công nghiệp, tất cả đều bê tông hóa gây ra rất nhiều hậu quả mà con người đã phải gánh chịu như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Do vậy, xác định tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững được rất nhiều thành phố hướng tới để bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường. Kon Tum cũng là một trong số đó khi thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch để xây dựng đô thị thành phố theo hướng đô thị xanh, trong đó mỹ quan đô thị được xác định là vấn đề quan trọng với nhiều bước đột phá lớn. Tuy nhiên, tình trạng mất mỹ quan đô thị bởi nhiều tác động khác nhau đã và đang diễn ra là vấn đề nan giải, khó xử lý triệt để của chính quyền địa phương tỉnh nhà.   

Lấn chiếm vỉ hè, lòng lề đường để buôn bán gây ách tắc giao thông, cản trở người đi bộ, làm mất mỹ quan đô thị là vấn đề không mới ở TP.Kon Tum. Bất cứ khi nào, khi đi qua một số tuyến đường chúng ta đều bắt gặp những xe hàng lưu động, những gánh hàng rong buôn bán tấp nập, tràn lan. Không những vậy, chủ các cửa hàng cố định cũng bày bán ra vỉa hè, thậm chí còn đặt biển hiệu ra lòng, lề đường khiến các phương tiện giao thông bị che khuất tầm nhìn. Đối với những người buôn bán hàng rong, nhỏ lẻ, do giá trị hàng hóa không cao, buôn bán lưu động nên việc tạm giữ hàng hóa không có ý nghĩa răn đe. Cùng với đó, ý thức của người dân còn khá hạn chế, khi các lực lượng chức năng nhắc nhở, yêu cầu dẹp gọn, trưng bày lại hàng hóa, không buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thì người dân làm theo một cách đối phó vì sợ bị cưỡng chế và ngay sau đó thì tình trạng lấn chiếm trái phép lại tiếp tục tái diễn. Không những vậy, một số vỉa hè trên các tuyến đường từ lâu đã bị biến thành quán nhậu cho đủ mọi thành phần và các quán giải khát, trà sữa cho lớp trẻ hoặc bị biến thành bãi đỗ xe phục vụ các văn phòng, công sở, quán xá cận kề.

Trên các con đường, rất dễ nhìn thấy nhiều túi rác vứt bừa bãi ngay sát lề đường, dưới chân cột điện, miệng cống thoát nước. Mặc dù trên các vỉa hè đã bố trí nhiều thùng rác công cộng để người dân tập kết rác bất kỳ thời điểm nào nhưng một số người lại vứt ngay bên cạnh thùng rác hoặc ném tung tóe, tràn lan ra đường vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa gây bốc mùi rất khó chịu, đó là chưa kể trời mưa đẩy rác trôi xuống hệ thống thoát nước làm tắc nghẽn cống rãnh. Không những vậy, bất chấp những tấm bảng “Cấm chăn thả gia súc”, những đàn gia súc thả rông như bò, dê…vẫn vô tư gặm cỏ ở các dải phân cách, những bãi cỏ dại ven đường hoặc trong các công viên, đi lại nghênh ngang trên đường gây rối loạn giao thông. Tại các cột điện, cột đèn giao thông, các bờ tường, nhà chờ xe buýt trở thành nơi treo, dán các loại tờ rơi quảng cáo. Những loại tờ rơi phát lưu động cũng vương vãi khắp các ngã tư, giao lộ bởi lẽ khi phát hầu như người nhận không hề đọc những dòng quảng cáo này mà thả ngay xuống đường.

Chợ Võ Lâm được xây dựng lại phục vụ các hộ kinh doanh lâu dài

Mỹ quan đô thị-Vấn đề tưởng chừng như là của riêng chính quyền và các cấp lãnh đạo nhưng lại được thêu dệt, xây dựng, vun đắp bởi mỗi người dân. Mỹ quan đô thị chỉ có thể có được khi ý thức con người biết chăm sóc, giữ gìn cảnh quan chung của cộng đồng. Chính vì vậy, thời gian qua, sở dĩ mỹ quan đô thị mất đi vẻ đẹp cũng chính bởi lý do lớn nhất là ý thức người dân chưa thật sự cao. Với tâm lý “tiện đâu làm đó” và vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng làm mọi hành động gây mất mỹ quan chung mà không quan tâm hậu quả sẽ như thế nào. Nếu chỉ với sự nỗ lực của các lực lượng chức năng mà ý thức người dân chưa được nâng cao thì mỹ quan đô thị rất khó được lập lại một cách triệt để, tận gốc bởi khi chính quyền địa phương đẩy mạnh cao điểm lập lại trật tự mỹ quan đô thị thì người dân chỉ tuân thủ một cách đối phó, còn ngay sau đó thì đâu lại quay về đó.

Xác định tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường để phát triển bền vững, thành phố Kon Tum đã đẩy mạnh thành lập các Đoàn công tác liên ngành, xây dựng kế hoạch, ra quân lập lại văn minh, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Phối hợp phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, các mô hình tự quản như Góc phố xanh, vỉa hè sạch, Ngày thứ bảy xanh, ngày chủ nhật sạch, Khu phố phụ nữ tự quản, xanh nhà sạch phố, Chợ văn minh, Thương nhân văn hóa, Tuyến đường cựu chiến binh tự quản… từ đó, góp phần làm cho thành phố ngày càng khang trang, sạch đẹp và thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh ra quân xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại địa phương; chính quyền các phường tập trung tuyên truyền sâu rộng, vận động nhân dân hiểu rõ và chấp hành đúng đắn chủ trương lập lại trật tự đô thị, giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường; tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh ký bản cam kết không lấn chiếm vỉa hè; thông báo đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tự giác tháo dỡ, đập bỏ phần xây cất lấn chiếm; riêng những hộ không tự giác sẽ bị lực lượng chức năng cưỡng chế thi hành. Ra quân tổng dọn vệ sinh, tháo gỡ, tẩy xóa các tờ rơi quảng cáo dán trên trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng nhằm góp phần lập lại mỹ quan đô thị và cảnh quan môi trường trên tuyến phố. Để những hộ dân buôn bán nhỏ đảm bảo kế mưu sinh lâu dài, thành phố Kon Tum tiến hành thống kê, rà soát và có chủ trương bố trí các tuyến đường đảm bảo đủ rộng, không ảnh hưởng đến trật tự đô thị, vệ sinh, an toàn giao thông để các hộ kinh doanh làm nơi buôn bán lâu dài. Hiện nay, một số khu vực chợ đã được xây dựng lại, tập hợp các hộ buôn bán tập trung, không ngồi rải rác vỉa hè gây mất mỹ quan đường phố như Chợ Võ Lâm, Chợ Cái Am…, thậm chí tại các khu vực chợ này còn xây dựng bãi giữ xe miễn phí cho người dân ra vào chợ nhằm tránh tình trạng để xe lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.

Tại Nghị định số 155/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường, làm mất mỹ quan đô thị đều bị xử phạt nghiêm với nhiều mức khung khác nhau tùy trường hợp cụ thể. Cùng với đó, theo Nghị định số 28/2017/NĐ-CP, ngày 20/03/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì hành vi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội như phát tờ rơi, treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo bằng hình thức này sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Song, trong thực tế, việc áp dụng các quy định này trong xử lý vi phạm, lập lại trật tự mỹ quan còn khá hạn chế, chưa đủ sức răn đe, cùng sự thiếu hiểu biết của người dân dẫn đến những hành động gây mất mỹ quan đô thị vẫn vô tư diễn ra bất chấp những hậu quả khôn lường gây bức xúc trong dư luận quần chúng.

Để hướng Kon Tum trở thành đô thị văn minh và thân thiện với môi trường, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh chung của cộng đồng. Khẳng định rằng, chỉ khi phát huy được sức mạnh của toàn dân thì mỹ quan đô thị mới được giữ gìn, vun đắp, tôi dưỡng và trở thành niềm tự hào, động lực phát triển mạnh mẽ, bền vững của mỗi địa phương.


Khánh Vi