A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rộ chiêu trò đánh cắp thông tin cá nhân để vay tiền qua App “đen”

Hiện nay, việc vay tiền qua app đang diễn ra rất phổ biến với nhiều lời quảng cáo “có cánh” như thủ tục giải ngân nhanh, không cần hồ sơ gốc, không cần thẩm định, chỉ cần cung cấp số CMND/CCCD… Kéo theo đó, nhiều kẻ xấu đã đánh cắp thông tin hoặc lợi dụng thông tin của người khác để thực hiện việc vay tiền nhưng không trả. Và trở thành “nạn nhân” bị lấy cắp thông tin để vay tiền và bị đòi nợ số tiền mà bản thân không vay.

Về Hợp đồng vay tài sản, Điều 463 BLDS 2015 nêu rõ, đó là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Như vậy, quan hệ vay tiền chỉ hình thành khi có sự thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay về việc vay tiền, giao tiền cho vay, hạn trả nợ, lãi suất (nếu có).

Còn theo Khoản 1 Điều 466 BLDS 2015, bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Khóc ròng vì bị đánh cắp thông tin cá nhân để vay tiền qua app

Mỗi cá nhân cần thận trọng khi vay tiền qua các app “đen”

Đối chiếu quy định trên, việc trả nợ chỉ xảy ra khi hai bên có thỏa thuận về việc vay nợ và người vay phải có nghĩa vụ trả nợ. Bởi vậy, nếu một người bị lấy cắp thông tin như số CMND, CCCD, số điện thoại… nhưng trên thực tế không hề vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ. Tuy nhiên, người bị lấy cắp thông tin trong trường hợp này phải chứng minh được bản thân không phải là người thực hiện việc vay tiền như có thể yêu cầu bên cho vay xuất trình các chứng từ liên quan đến việc vay mượn như thời gian vay, số tiền vay, lãi suất…

Về chế tài xử lý cá nhân lấy cắp thông tin của người khác đi vay tiền, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi, người lấy cắp thông tin người khác để vay tiền có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Về xử phạt hành chính, theo Nghị định 14/2022/NĐ-CP, việc thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác sẽ bị phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng.

Nếu hành vi lấy thông tin của người khác khi không được phép và dùng để vay tiền gây thiệt hại cho người bị lấy cắp thông tin thì người vi phạm có thể phải bồi thường thiệt hại.

Với cá nhân không vay tiền nhưng vẫn bị app “đen” khủng bố điện thoại, trước tiên người bị làm phiền cần phải giải thích rõ ràng cho người gọi điện nếu không vay hoặc không quen với người vay các khoản nợ từ các app cho vay tiền online.

Bên cạnh đó, cá nhân này cần phải hỏi rõ thông tin của app vay vốn, bật ghi âm cuộc gọi hoặc lưu lại tin nhắn để làm bằng chứng, yêu cầu người gọi điện đòi nợ làm phiền mình cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của mình cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống… Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, nạn nhân có thể trình báo cơ quan công an nơi cư trú về việc bị khủng bố điện thoại đòi nợ dù không vay tiền.

Hoài Nhung

 


Tin liên quan