A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thi hành án hình sự tại cộng đồng là một yêu cầu khách quan mang tính quyền lực Nhà nước bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án về thi hành án hình sự tại cộng đồng

Thi hành án hình sự tại cộng đồng là hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước nhằm thực hiện bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật trong thực tiễn. Đây là hoạt động tư pháp khá phức tạp có liên quan đến quyền cơ bản của con người và chính sách hình sự của một Quốc gia đối với người vi phạm pháp luật hình sự, do nhiều cơ quan chức năng, nhiều tổ chức chính trị xã hội phối hợp thực hiện. Nhiệm vụ của hoạt động này là cảm hóa tư tưởng, giáo dục pháp luật và quy tắc xử sự trong đời sống xã hội nhằm làm cho người đang thi hành án tại cộng đồng trở thành công dân có ích cho xã hội, mặt khác góp phần răn đe, phòng ngừa chung. Nếu như một bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật không được thi hành hoặc thi hành không nghiêm thì trật trự kỉ cương xã hội bị vi phạm, quyền lực nhà nước bị xem thường. Chính vì vậy, việc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án là một yêu cầu khách quan trong hoạt động quản lý nhà nước về thi hành án hình sự tại cộng đồng.

aa

Tiếp xúc, gặp gỡ, thăm hỏi động viên gia đình và đối tượng Thi hành án hình sự tại cộng đồng chấp hành tốt các quy định của pháp luật (Ảnh minh họa)

Thi hành án hình sự tại cộng đồng là việc quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng bao gồm thi hành các hình phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, cảnh cáo, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội trong tình hình mới, phù hợp với pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhằm đảm bảo quyền con người theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, ngày 14/6/2019 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước nói chung, trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách khoan hồng của nhà nước ta đối với người thi hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng như đảm bảo tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân.

Trong những năm qua, công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực. Xác định công tác quản lý các đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng là việc khó khăn, cần có sự vào cuộc phối hợp tích cực giữa các cơ quan và chính quyền cơ sở nên ngay sau khi Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân tỉnh và hướng dẫn của Bộ Công an, Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh Kon Tum đã tham mưu UBND tỉnh, Công an tỉnh ban hành văn bản, hướng dẫn UBND cấp huyện và Công an huyện chỉ đạo UBND cấp xã, Công an xã làm tốt công tác quản lý, giám sát người thi hành án hình sự tại cộng đồng. Hiện nay đang quản lý giám sát 295 người thi hành án hình sự tại cộng đồng, trong đó án treo 196 người, cải tạo không giam giữ 72 người, quản chế 03 người, tại ngoại 01 người, hoãn thi hành án 18 người, tha tù trước thời hạn có điều kiện 05 người. Đã thiết lập hồ sơ để theo dõi, giám sát, giáo dục theo quy định. Thực hiện nghiêm túc những quy định đổi mới về pháp luật, trong đó đảm bảo quyền và nghĩa vụ đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng được rõ ràng và ngày càng đầy đủ hơn được quy định trong các văn bản pháp luật, tạo điều kiện cho người chấp hành án tìm hiểu, tiếp cận từ đó tự giác chấp hành; lực lượng Thi hành án hình sự cũng không ngừng được củng cố và kiện toàn đáp ứng yêu cầu công tác và chiến đấu.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, cụ thể: chính quyền địa phương hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi người bị kết án, cư trú và làm việc chưa có sự quan tâm đúng mực, còn có nhiều bất cập, sơ hở, thiếu sót; đối tượng trong thời gian thi hành án tự ý bỏ đi khỏi nơi cư trú mà không khai báo với chính quyền địa phương; Hồ sơ quản lý của người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ còn thiếu sót chưa được khắc phục triệt để; Việc phối hợp quản lý của các đoàn thể cơ sở và gia đình đối tượng chưa chặt chẽ, hiệu quả, không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, đặc điểm sinh sống của đối tượng; Chế tài xử lý hành chính còn nhẹ, khó thực hiện; Trong xã hội nhiều người có thái độ định kiến, kỳ thị xa lánh đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng; Công an một số đơn vị địa phương chưa chủ động, phát huy hết vai trò nòng cốt trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

bb Phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, gắn với tuyên tuyền phổ biến giáo dục pháp luật về THAHS tại cộng đồng (Ảnh minh họa)

Để việc thực hiện thi hành án hình sự tại cộng đồng đạt kết quả phải luôn đảm bảo các nguyên tắc theo quy định, như: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; Bảo đảm thi hành nghiêm minh bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án; Bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và pháp luật có liên quan; Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án chặt chẽ, có hiệu quả; tạo điều kiện cho người chấp hành án có điều kiện thuận lợi nhất để chấp hành án, sớm chấp hành xong án phạt, trở thành người có ích cho xã hội; phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi phạm tội của người chấp hành án; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án; Công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng phải được thực hiện thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an các đơn vị, địa phương; đảm bảo yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp; phục vụ có hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế xã hội. Với tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện ngày càng gia tăng. Nếu không có sự quản lý, giám sát, giáo dục chặt chẽ dẫn đến nguy cơ tái phạm cao và khó kiểm soát. Do đó để nâng cao hiệu lực quản lý công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng cần thực hiện tốt một số nội dung như:

Một là, tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Thông tư số 65/2019/TT-BCA ngày 28 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công an quy định về Thi hành án hình sự tại cộng đồng và các văn bản hướng dẫn có liên quan để công tác này đi vào nề nếp.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, giám sát người thi hành án hình sự tại cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về Luật Thi hành án hình sự năm 2019 tại xã, phường, thị trấn đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng nhằm giúp họ nắm được các quy định về quyền và nghĩa vụ, nâng cao ý thức chấp hành án. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng dân cư tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm tạo sự đồng thuận để mọi người cùng tích cực tham gia quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Gắn với việc triển khai thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ở cơ sở, qua đó nâng cao hiệu quả giáo dục, phòng ngừa tội phạm góp phần giữ gìn an ninh trật tự địa phương.

Ba là, nâng cao vai trò trách nhiệm của thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng nhằm đưa công tác này vào nề nếp, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác hiện nay. Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra và phối hợp thanh tra trong việc thực hiện pháp luật về thi hành án hình sự tại cộng đồng đảm bảo đúng quy trình công tác theo quy định của pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các đơn vị có liên quan đến công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng.

Bốn là, Cơ quan Thi hành án hình sự cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện xây dựng, ban hành quy trình thi hành án hình sự tại cộng đồng từ khi tiếp nhận, quản lý, theo dõi, đến khi chấp hành xong bản án, cấp giấy chứng nhận và kết thúc, lưu trữ, khai thác hồ sơ theo quy định. Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất công tác thi hành án hình sự đối với cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện, theo dõi công tác quản lý giáo dục người bị kết án; hướng dẫn, kiểm tra công tác xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo; việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại theo quy định của pháp luật…

Năm là, lực lượng Công an xã cần phát huy tốt vai trò tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã trong tổ chức thi hành các bản án hình sự tại cộng đồng. Công an cấp xã tham mưu giúp UBND cấp xã theo dõi, giám sát người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn tại địa phương. Nhận xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật, khi có đủ điều kiện để xem xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo; đề nghị xem xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án theo đúng quy định của pháp luật.

Sáu là, chú trọng xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác thi hành án hình sự. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung biên chế cho các bộ phận còn thiếu, đảm bảo về số lượng và nâng cao chất lượng cán bộ, bản lĩnh chính trị, trình độ pháp luật, nghiệp vụ thi hành án hình sự cho lực lượng làm công tác thi hành án hình sự, cơ quan, đơn vị có liên quan và Công an cấp xã để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ và kỹ năng trong việc tổ chức quản lý, giám sát người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Bộ Công an vừa trình dự thảo Thông tư liên tịch quy định về quan hệ phối hợp trong việc thi hành một số quy định của Luật Thi hành án hình sự (THAHS) về THAHS tại cộng đồng giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao, VKSND Tối cao để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.Theo dự thảo, Thông tư liên tịch này quy định về quan hệ phối hợp trong việc thi hành một số quy định của Luật Thi hành án hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự về thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân, thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện – gọi chung là THAHS tại cộng đồng. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự phối kết hợp đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý, giám sát và thi hành án hình sự tại cộng đồng từ Trung ương đến cơ sở góp phần đưa công tác Thi hành án hình sự tại cộng đồng đi vào trật tự, hiệu quả./.

Ngọc Học

 


Tin liên quan