A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông qua việc xét xử lưu động là cơ hội trực tiếp để chuyển tải thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến với người dân

Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng nh hình tội phạm giết người gia tăng về số lượng, có diễn biến phc tạp, với tính chất, mức độ, hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Trước thực trạng này, ngày 30/11/2020 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Công văn 1676/TTg-NC về tăng cường biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người; trong đó chú trọng đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, phòng, chống bạo lực gia đình và yêu cầu Tòa án tiến hành xét xử lưu động một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

 

 

Bị cáo tại phiên tòa xét xử lưu động

Theo số liệu thống kê năm 2021, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 24 vụ án giết người, tăng gấp 3 lần so với năm 2020; làm chết 16 người và bị thương 8 người. Đáng chú ý, hơn 56% số vụ án có nguyên nhân phạm tội từ những mâu thuẫn đơn giản, bộc phát nhất thời nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều vụ án có diễn biến nhanh và bất ngờ. Hầu hết đối tượng gây án đều phạm tội lần đầu, có độ tuổi dưới 30 tuổi; 75% số vụ án giết người xảy ra ở khu vực nông thôn, miền núi. Đặc biệt, tội phạm giết người thân trong gia đình có xu hướng gia tăng, trên 30% vụ án nạn nhân và thủ phạm có quan hệ thân thiết như: cha con, vợ chồng, anh em trong gia đình… Điều này không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận người dân mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, gây nên nhiều hệ lụy lâu dài đối với chính bản thân người phạm tội và thân nhân của họ cũng như gia đình bị hại.

Nguyên nhân sâu xa của các vụ án giết người là do lối sống, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị kích động dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên có lối sống thực dụng, coi thường pháp luật; giá trị nền tảng gia đình, dòng họ, hương ước chưa được coi trọng; các thông tin tiêu cực, văn hóa phẩm đồi trụy và trào lưu sai lệch, cổ súy hành vi côn đồ, bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều. Đôi khi chỉ vì sự nóng tính nhất thời, suy nghĩ nông nổi, bồng bột mà dẫn đến những lầm lỗi không đáng có, quên đi đạo nghĩa làm con, tình nghĩa vợ chồng, tình cảm ruột thịt… ảnh hưởng xấu đến nền tảng gia đình - xã hội và thuần phong mỹ tục.

            Người dân tham gia phiên tòa lưu động

Thông qua việc xét xử lưu động, với mục đích để trực tiếp chuyển tải, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến với người dân. Năm 2022, Tòa án nhân dân tỉnh đã xét xử và xử phạt nhiều bị cáo với mức án nghiêm khắc từ 20 năm, chung thân, hoặc tử hình. Đặc biệt, đã quyết định đưa ra xét xử lưu động 02 vụ án về tội “Giết người” tại địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Đăk Tô, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến toàn thể người dân đồng thời cảnh báo, răn đe phòng ngừa chung trước toàn thể xã hội và giáo dục mọi người phải biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của người khác, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm đặc biệt là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Mỗi gia đình có nhận thức và tăng cường giáo dục con em mình trong việc chấp hành nghiêm pháp luật; đẩy mạnh giáo dục tình yêu thương tôn trọng mọi người cho thanh thiếu niên, giúp cho giới trẻ thấy được trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân mình và người khác để có cách hành xử đúng mực, phù hợp với đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Bản thân mỗi người phải biết kiềm chế nóng giận, kiểm soát, tiết chế cảm xúc và biết suy xét khi gặp mâu thuẫn, xích mích; lên án những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật, góp phần chung tay cùng với Đảng, Nhà nước kéo giảm tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh, góp phần đem lại cuộc sống ổn định, bình an, hạnh phúc cho mọi người dân; tạo nền tảng để hướng tới mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.


Tác giả: Ngọc Học
Tin liên quan