Thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đề ra những quan điểm, chính sách cơ bản hết sức đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo, được đề cập trong các văn bản quan trọng của Đảng. Từ đó đến nay, đất nước đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, quan điểm về tôn giáo của Đảng ta vẫn luôn được khẳng định, ghi nhận trực tiếp trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc. Cùng với việc khẳng định quan điểm về tôn giáo trong Báo cáo chính trị ở các kỳ Đại hội, Đảng còn ra nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về các vấn đề liên quan đến tôn giáo. Trong giai đoạn vừa qua, xuất phát từ nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng nhân dân, cũng từ yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) trên lĩnh vực này, Đảng và Nhà nước đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Kon Tum là một tỉnh có nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo hoạt động, có một không gian đa dạng, phong phú về sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo. Việc Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho QLNN về an ninh, trật tự (ANTT) đối với các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua, Ban Tôn giáo tỉnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, đảng viên, chức sắc trong các tôn giáo và quần chúng tín đồ trên địa bàn tỉnh để đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; đẩy mạnh bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh… Vận dụng Luật vào trong thực tiễn, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã làm tốt công tác QLNN đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, xử lý nhanh chóng, chính xác các vụ việc liên quan đến tôn giáo như: Sinh hoạt tôn giáo, tranh chấp, khiếu kiện nhà, đất liên quan đến tôn giáo, xử lý các vụ việc nhận cho tặng, lấn chiếm, cơi nới các cơ sở thờ tự sinh hoạt tôn giáo sai quy định; phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo tiến bộ trong vận động tín đồ chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; cấp phép sinh hoạt tôn giáo, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đăng ký hoạt động đặc biệt trong bối cảnh diến biến hết sức phức tạp của dịch bệnh; cấp phép xây dựng, sửa chữa các cơ sở thờ tự theo quy định của Luật; hướng dẫn các tôn giáo thực hiện các thủ tục quy định trong sinh hoạt tôn giáo; tham mưu xử lý hiệu quả đúng quy định các trường hợp sai phạm trong sinh hoạt tôn giáo; phát huy quyền làm chủ của tín đồ tôn giáo, đảm bảo sự bình đẳng giữa các tôn giáo, giữa người theo đạo và không theo đạo; vận dụng hiệu quả Luật tín ngưỡng tôn giáo trong xử lý nghiêm các trường hợp tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật đặc biêt là đối với các đạo lạ, hiện tượng tôn giáo mới; áp dụng Luật tín ngưỡng, tôn giáo vào giải quyết các khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người nước ngoài đến địa phương lưu trú; quản lý tốt hoạt động xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định…
Hiện nay, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng có ý nghĩa to lớn cho các cơ quan chức năng nói riêng, các tôn giáo trên địa bàn và giáo dân thực hiện tốt các vấn đề liên quan đến tôn giáo góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã họo và cuộc sống bình yên của nhân dân trong tình hình mới.
Y Ngoan