Ban hành Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo đó, ngày 28/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới và góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.
Ảnh minh họa
Về nội dung Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành, cụ thể như sau:
a) Khoản 3 Điều 22 giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều 22 về trang phục, giấy chứng nhận, trang bị của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cụ thể: “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.”
b) Khoản 5 Điều 24 giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều 24 về chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ; cụ thể:
“- Người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
- Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.”
Từ những căn cứ nêu trên và để tạo cơ sở pháp lý thống nhất tổ chức thi hành Luật thì việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết.
Việc xât dựng Nghị định của Chính phủ là nhằm cụ thể hóa quy định của Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở về chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Dự thảo Nghị định đã được xây dựng trên cơ sở bám sát nội dung đã được Luật giao Chính phủ quy định chi tiết trong Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Về bố cụ, dự thảo Nghị định gồm 03 chương, 08 Điều, với những nội dung cơ bản như sau:
Chương I về quy định chung, gồm 02 Điều (Điều 1 và Điều 2), quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.
Chương II về chế độ, chính sách, bảo đảm trang bị đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, gồm 04 Điều (từ Điều 3 đến Điều 6), quy định về: Trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, cấp biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để chi trả chế độ, chính sách cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ; điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để chi trả chế độ, chính sách cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn, chết khi thực hiện nhiệm vụ
Chương III về điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 7 và Điều 8), quy định về: Hiệu lực thi hành; trách nhiệm thi hành.
Dự thảo Nghị định đã được gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công an các đơn vị, địa phương và đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định. Các ý kiến tham gia đã được tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Thời gian lấy ý kiến được thực hiện từ ngày 05/01/2024 đến hết ngày 05/03/2024. Tham gia góp ý dự thảo Nghị định tại đây./.