Bộ Công an lấy ý kiến dự thảo Luật Dữ liệu
Bộ Công an vừa công bố và lấy ý kiến về dự thảo Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất và đồng bộ trong việc quản lý, phát triển và sử dụng dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu
Chuyển đổi số đã được Đảng xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong Đại hội XIII. Chính phủ và các cơ quan liên quan đã ban hành nhiều chủ trương và giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 đều khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội cũng nhấn mạnh việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm dữ liệu khu vực.
Ảnh minh họa
Thực trạng hiện nay và cơ sở thực tiễn
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có quy định rõ ràng về dữ liệu. Ở Việt Nam, một số kết quả tích cực đã đạt được, như khởi tạo 07 cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại như cơ sở dữ liệu trùng lặp, thiếu đồng bộ và không đảm bảo an ninh an toàn. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước nhằm tiết kiệm chi phí và đảm bảo hiệu quả trong khai thác, sử dụng dữ liệu.
Mục đích và quan điểm xây dựng Luật
Mục đích của Luật Dữ liệu:
- Tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
- Phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính
- Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Quan điểm xây dựng Luật:
Một là, quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Hai là, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.
Ba là, việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.
Bốn là, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Năm là, tham khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý dữ liệu của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Dự thảo Luật Dữ liệu gồm 07 chương và 65 điều, quy định chi tiết về: xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Quá trình xây dựng dự án Luật bao gồm các bước như thành lập Ban soạn thảo, xây dựng hồ sơ dự án, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ, và trình Chính phủ xem xét quyết định. Dự kiến, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Bộ Công an kính mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cá nhân để hoàn thiện dự thảo Luật Dữ liệu, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi triển khai thực hiện. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 01/07/2024 đến hết ngày 01/09/2024.
Tham gia góp ý tại đây./.