A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện đang được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền con người, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.

1. Sự cần thiết ban hành Luật

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh mạng lấy con người làm trung tâm và hoàn thiện pháp lý trong lĩnh vực này. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ nhiệm vụ “Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn, an ninh mạng”. Tương tự, các Nghị quyết khác của Đảng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hoàn thiện thể chế pháp luật. Quyết định 964/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về mặt pháp lý, Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền riêng tư của cá nhân là bất khả xâm phạm, bao gồm quyền bảo vệ bí mật cá nhân. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 174/NQ-CP, thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật và đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật.

Thực tiễn cho thấy, dù đã có 68 văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhưng chưa có sự thống nhất về khái niệm và nội hàm dữ liệu cá nhân, ngoại trừ Nghị định số 13/2023/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định này chưa đủ bao quát và cần một văn bản luật làm “luật gốc”. Hiện nay, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường truyền thống (hồ sơ giấy) chưa được quy định cụ thể. Việc ban hành Luật cũng cần thiết để quy định các trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, vốn có khả năng ảnh hưởng đến quyền con người. Chế tài xử lý vi phạm hiện hành còn hạn chế, chưa có quy định cụ thể cho các hành vi mua bán dữ liệu cá nhân hoặc vi phạm gắn với quyền của chủ thể dữ liệu.

Nhiều vấn đề mới phát sinh cũng đòi hỏi phải có Luật để giải quyết. Thực tế cho thấy nhiều tổ chức thu thập dữ liệu cá nhân vượt quá mức cần thiết, thiếu cơ sở pháp lý và chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Các quyền cơ bản của công dân đối với dữ liệu cá nhân chưa được bảo đảm. Việc thực hiện các nghĩa vụ như đánh giá tác động, thông báo vi phạm còn nhiều lúng túng. Tình trạng lộ, mất, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến, công khai, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Việc thiếu quy định bảo vệ dữ liệu trên môi trường hồ sơ giấy cũng tạo ra nhiều rủi ro, đặc biệt trong quá trình số hóa. Ban hành Luật cũng nhằm hài hòa với thông lệ quốc tế, khi hơn 140 quốc gia đã có luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời, Luật sẽ tạo nền tảng pháp lý cho các hoạt động kinh doanh liên quan đến dữ liệu cá nhân, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.

2. Mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật

Việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận trình độ quốc tế, và đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Quan điểm xây dựng Luật bao gồm:

- Cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, thể chế chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công nhận, tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Xác định dữ liệu cá nhân là nguồn tài nguyên quan trọng cần được bảo vệ, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ tổ quốc.

- Đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; thúc đẩy ứng dụng, phát huy tối đa các thành tựu khoa học và công nghệ; hạn chế tiêu cực, bất lợi.

- Phù hợp với các quy định của pháp luật, rà soát, tạo nền tảng để xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân. Xác định lộ trình phù hợp thực hiện công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta hiện nay.

- Hài hòa với quy định, pháp luật, kinh nghiệm của thế giới. Bảo đảm sự phù hợp với các quy định, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc là thành viên.

3. Những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật

Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 07 Chương, 68 Điều, với 07 nội dung chính:

1) Thống nhất thuật ngữ và xây dựng một số khái niệm quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, như: dữ liệu cá nhân; bảo vệ dữ liệu cá nhân; làm rõ khái niệm và nội hàm của dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm, dữ liệu phi cá nhân, khử nhận dạng dữ liệu cá nhân; xác định chính xác, đầy đủ những hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân; vai trò của các bên trong hoạt động xử lý.

(2) Xây dựng 07 nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân, gồm: hợp pháp, minh bạch, đúng mục đích, hạn chế, chính xác, an ninh, giới hạn thời gian lưu trữ, trách nhiệm giải trình. 

(3) Quy định 11 quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; 03 nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu.

(4) Quy định về điều kiện bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân; tổ chức chứng nhận đủ điều kiện năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân; dịch vụ xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân; dịch vụ tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân.

(5) Yêu cầu đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân và Chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài như một bản cảm kết trước pháp luật về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân: Để phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, các loại hình doanh nghiệp số hiện nay, dự thảo không quy định hình thức “tiền kiểm” (đăng ký) mà thực hiện “hậu kiểm” (kiểm tra, đánh giá) đối với việc xử lý dữ liệu cá nhân và chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới. Theo đó, Dự thảo Luật nghiên cứu áp dụng mô hình cho phép tổ chức, doanh nghiệp tự chủ trong công tác xử lý dữ liệu cá nhân bằng cách tiến hành và lưu giữ hồ sơ có liên quan. Bộ Công an tiến hành kiểm tra sự phù hợp với hồ sơ và bảo đảm quy định của Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. 

(6) Hoàn thiện quy định về biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm, điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân, cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân, Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân, điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân, kinh phí bảo đảm hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân.

(7) Quy định quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan theo hướng Chính phủ thống nhất thực hiện quản lý nhà nước.

Việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, đồng bộ cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam. Luật sẽ góp phần nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đưa các quy định của Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Qua đó, không chỉ bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân mà còn thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của kinh tế số, xã hội số, đồng thời tăng cường an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.


Tác giả: Đội PC và QLKH
Tin liên quan