Tăng cường bảo đảm quyền con người và cơ chế giám sát trong hoạt động điều tra
Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) dự kiến trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV tiếp tục thể chế hóa các nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát hoạt động điều tra một cách toàn diện và chặt chẽ.
Trước hết, nguyên tắc điều tra hình sự phải khách quan, toàn diện, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm được xác lập tại Điều 3 của Dự thảo. Cụ thể, khoản 2 Điều 3 quy định: “…Điều tra kịp thời, nhanh chóng, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.”
Dự thảo đã dành riêng Điều 13 để quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điều tra - đây là “hàng rào pháp lý” kiên cố bảo vệ quyền con người trước những nguy cơ bị xâm phạm bởi hành vi lạm quyền. Trong đó, quy định nghiêm cấm: “Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” - khoản 2 Điều 13. Đồng thời, Dự thảo cũng nghiêm cấm các hành vi “Cản trở người bào chữa, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện việc bào chữa, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng chú trọng đến cơ chế giám sát đối với hoạt động điều tra. Tại Điều 10 quy định rõ vai trò của Viện kiểm sát:
“1. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra nhằm bảo đảm cho hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật này; phải phát hiện kịp thời và yêu cầu, kiến nghị Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra.
2. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật.”
Song song với đó, tại Điều 12, Dự thảo khẳng định quyền giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động điều tra hình sự:
“Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự theo quy định của pháp luật.
Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật.”