A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông; tăng cường tính công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân; trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật này quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ người dân. Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới như: sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Viên năm 1968 và có kế thừa phân hạng còn phù hợp của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; bổ sung quy định về giấy phép lái xe quốc tế; quy định về các trường hợp cấp, cấp đổi, cấp lại thu hồi giấy phép lái xe…

Giấy tờ xe đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì không phải mang theo

Cụ thể, dự thảo Luật TTATGT đường bộ (Điều 38) quy định: 

(1) Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển, trừ người lái xe gắn máy (Người lái xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ phải đủ điều kiện về độ tuổi và sức khỏe theo quy định). Khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau: Chứng nhận đăng ký xe; Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật; Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp thông tin của các loại giấy tờ trên đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì không phải mang theo.

(2) Người điều khiển xe máy chuyên dùng phải có bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng phù hợp loại xe máy chuyên dùng đang điều khiển và một trong các loại giấy phép lái xe quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật TTATGT đường bộ hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Khi tham gia giao thông, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải mang theo các loại giấy tờ sau: Chứng nhận đăng ký xe; Bằng hoặc chứng chỉ điều khiển và giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng theo quy định của pháp luật; Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật. Trường hợp thông tin của các loại giấy tờ trên đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì không phải mang theo.

Như vậy, khi dự thảo Luật TTATGT đường bộ được thông qua thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ không phải mang theo các loại giấy tờ nêu trên khi thông tin của các loại giấy tờ đó được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật TTATGT đường bộ (khoản 5 Điều 54) cũng quy định: Khi tuần tra, kiểm soát, trường hợp thông tin giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì Cảnh sát giao thông thực hiện kiểm soát các thông tin giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử.

Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe

Cũng theo dự thảo Luật TTATGT đường bộ (khoản 1 Điều 39), giấy phép lái xe được thay đổi phân hạng bao gồm: Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến 175 cm3 hoặc có động cơ có công suất định mức tương đương; Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên hoặc động cơ có công suất định mức tương đương và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2; Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2;

Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ của người lái xe); xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2;

Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 3.500 đến 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B. Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1;

Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) từ 10 đến 30 chỗ; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C. Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 30 chỗ; xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D2;

Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg. Hạng C1E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg. Hạng CE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc;

Hạng D2E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg. Hạng DE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg.
Riêng đối với người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A2; người khuyết tật điều khiển xe ô tô có cơ cấu điều khiển phù hợp với tình trạng khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng B.
(Theo Luật Giao thông đường bộ 2008 thì giấy phép lái xe có các hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC).


Quy định các trường hợp Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ 

Dự thảo Luật TTATGT đường bộ cũng quy định đối với các trường hợp Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật.

(2) Những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát trực tiếp mới phát hiện được.

(3) Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh.

(4) Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

Công an tỉnh giới thiệu toàn văn Dự thảo Luật để tổ chức, cá nhân và nhân dân tham khảo, tham gia ý kiến. Toàn văn Dự thảo: Du thao Luat TTTATGTĐB.doc


Tác giả: Thái Ngân
Tin liên quan